Tuyển sinh đại học và cao đẳng: Chọn nghề thay vì chọn trường
Học sinh Trường THPT Phú Lương tìm hiểu quy chế tuyển sinh các trường đại học, cao đẳng ngay trong tháng 3-2021, trước khi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm học 2020-2021. |
Chỉ còn hơn 2 tháng nữa, học sinh lớp 12 sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Các em sẽ không còn nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu và có sự lựa chọn về trường, ngành nghề dự tuyển. Hai vấn đề quan trọng của mùa tuyển sinh vẫn được phụ huynh và học sinh đặt ra là: Chọn đúng ngành, nghề để không bị thất nghiệp và chọn ngành, nghề theo đam mê.
Thời điểm này, các học sinh cuối cấp ba đang đứng trước những quyết định bước ngoặt trong việc lựa chọn ngành nghề để bước tiếp ở bậc đại học. Chọn đúng trường, đúng ngành sẽ là bước đệm vô cùng quan trọng cho quãng đời sau này của các em.
Theo PGS.TS tâm lý giáo dục Nguyễn Thị Thanh Huyền (Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên): “Tốt nghiệp THPT, đứng trước ngã rẽ cuộc đời, các bạn trẻ rất dễ bị chọn sai đường, đi sai hướng do thiếu kinh nghiệm sống và thiếu cả những hiểu biết nhất định về nghề nghiệp. Lời khuyên của tôi dành cho các bạn sắp bước vào kỳ thi quan trọng sắp tới là: Hãy chọn ngành trước thay vì chọn trường. Hiện tại, có thể bạn vẫn chưa biết mình thích ngành gì, vậy hãy chọn thứ bạn giỏi hơn so với những cái khác. Đại học luôn là bước đệm vững chắc cho rất nhiều con đường sau này, nếu bạn có lựa chọn đúng. Vậy học nghề gì dễ xin việc nhất? Tôi cho rằng, câu trả lời sẽ được xác định bởi ba điều sau đây: Việc mà mà các em có thể làm giỏi nhất (sở trường); nghề mà các các em thích nhất (đam mê); thứ mà thị trường cần (nhu cầu của thị trường)”.
Trên thực tế, những năm gần đây, trước sức hút về nhân lực làm việc trong các khu công nghiệp, không ít người lao động chấp nhận “cất” bằng cử nhân đại học để đi làm công nhân, chấp nhận làm các công việc ở mức độ yêu cầu trình độ thấp hơn, thậm chí là lao động thủ công và không liên quan đến nghề mình đã được đào tạo một cách bài bản.
Phân tích về sự thiếu hụt, mất cân đối nhân lực trong các lĩnh vực của xã hội, PGS.TS Nguyễn Phúc Chỉnh, Phòng Đào tạo Trường Đại học Sư phạm nhận định: “Những năm gần đây, ngành Giáo dục luôn thiếu hụt giáo viên phổ thông, nhất là khi thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông mới. Trên các trang thông tin của các Phòng Giáo dục, và kể cả các trường trong tỉnh luôn đăng tuyển dụng, hoặc tìm giáo viên dạy bù giờ. Một số trường phải liên kết để hoán đổi, hỗ trợ nguồn giáo viên một số môn vì thiếu hụt. Có thể do cơ chế tuyển dụng chưa tạo sức hấp dẫn, nhưng thực tế, là giáo viên vững về chuyên môn, giỏi nghiệp vụ, tâm huyết với nghề thì nghề giáo viên vẫn có vị trí tốt, khi nhu cầu học tập và các hình thức học tập trong xã hội ngày càng tăng. Nếu ai cũng quay lưng với ngành Sư phạm và không nắm bắt xu hướng, thì chỉ 5 năm nữa sẽ thiếu hụt một lượng lớn giáo viên”.
Thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông mới, toàn ngành Giáo dục T.X Phổ Yên khi chuẩn bị kế hoạch cho năm học 2021-2022 dự báo còn thiếu 257 giáo viên cấp tiểu học và 135 giáo viên cấp THCS. Đối với T.P Thái Nguyên dự báo thiếu 863 giáo viên dạy lớp 1, lớp 2 và lớp 6. Thống kê của toàn ngành Giáo dục tỉnh Thái Nguyên hiện còn thiếu trên 5.300 giáo viên từ cấp học mầm non, tiểu học và THCS.
Trước kỳ thi, đa số thí sinh và phụ huynh đều quan tâm đến chọn ngành nghề “HOT”. Theo PGS.TS Nguyễn Thúy Hà, Trường Đại học Nông lâm: Khi theo học ngành “HOT”, người học sẽ phải đối diện với những lo lắng về khả năng thích ứng như tìm chỗ thực tập, thực hành phù hợp. Chọn ngành chỉ theo xu hướng ngành “HOT” mà không tính đến các yếu tố khác về bản thân, gia đình và xã hội là sự lựa chọn mang tính may rủi nhiều hơn là một quyết định sáng suốt cho tương lai.
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, đến hết ngày 11/5/2021, toàn tỉnh có trên 16 nghìn thí sinh đăng ký dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, trong đó gần 66% số thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp và lấy kết quả để xét tuyển sinh đại học. Đặc biệt, có đến gần 100 thí sinh đăng ký trên 20 nguyện vọng xét tuyển và các trường đại học. Cá biệt có một số thí sinh đăng ký đến 50 nguyện vọng chọn ngành nghề của các trường đại học. Mặc dù trong quy định tuyển sinh không giới hạn nguyện vọng, nhưng sự mông lung không xác định được trúng nguyện vọng ngành nghề yêu thích, phù hợp thì dễ đỗ đại học mà không như mong muốn. Đồng thời cũng tạo ra một lượng thí sinh ảo trong tuyển sinh.