Tuyển sinh đại học và cao đẳng: Tỉnh táo khi chọn ngành, chọn trường
Học sinh Trường THPT Chu Văn An tham khảo thông tin tuyển sinh đại học và cao đẳng trước kỳ thi THPT Quốc gia 2021. |
Các trường đại học, cao đẳng đã bắt đầu công bố phương án tuyển sinh năm 2021, theo đó, có nhiều lựa chọn ngành nghề, nơi học và phương thức xét tuyển đáp ứng nhu cầu xã hội. Để lựa chọn được ngành, trường đại học yêu thích, ngoài năng lực, thí sinh phải có sự bình tĩnh và cần một chút "kỹ thuật".
Năm 2021, Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) dự kiến tuyển sinh 12.500 chỉ tiêu đại học và gần 1.000 chỉ tiêu hệ cao đẳng học 130 ngành nghề. Theo dự kiến phương án tuyển sinh các trường thành viên ĐHTN, các trường đều dành từ 40-50% chỉ tiêu tuyển sinh bằng hình thức xét kết quả hoc tập THPT được ghi trong học bạ. Có trường đã bắt đầu tiếp nhận hồ sơ từ 15/3/2021. Như vậy, về lý thuyết, những hồ sơ đủ điều kiện đảm bảo chất lượng đầu vào theo công bố của các trường thì đã có thí sinh trúng tuyển đại học, cao đẳng, chỉ còn chờ điều kiện công nhận tốt nghiệp THPT. Một số trường sử dụng điều kiện xét tuyển cả kết quả tốt nghiệp của năm học trước, như: Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Nông lâm, Đại học Khoa học. Một số trường lại áp dụng hình thức tuyển dự bị đại học (Đại học Y - Dược), hoặc tuyển sinh học sinh vùng đặc biệt khó khăn, có điểm đầu vào thấp hơn điểm sàn, ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào 1 điểm sẽ được học cải thiện thêm một học kỳ trước khi vào học chính thức (Đại học Nông lâm).
Trên thực tế, các trường xét tuyển đã bám sát vào đánh giá năng lực học sinh trong quá trình học tập bậc THPT. Bởi theo công bố của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì kỳ thi THPT Quốc gia 2021 sẽ tổ chức nhẹ, không tạo áp lực cho học sinh và xã hội, bảo đảm tính ổn định như những năm trước. Như vậy ý nghĩa kỳ thi chủ yếu phục vụ tốt nghiệp THPT. Các trường đại học, cao đẳng có thể dựa vào mức độ phân hóa trong đánh giá năng lực làm bài thi để làm căn cứ xét tuyển.
Nhiều cơ hội học tập và nhiều phương thức xét tuyển, song làm thế nào để chọn đúng ngành, đúng môi trường học tập tốt nhất cho mình và có nhiều cơ hội việc làm tốt trong tương lai? Điều này phụ thuộc vào định hướng nghề sự lựa chọn trường, ngành và “kỹ thuật” mỗi cá nhân. Về điểm chuẩn trúng tuyển chỉ là sự phán đoán. Với những thí sinh tâm lý vững thì thường lấy điểm chuẩn những năm trước làm động lực, do đó, phải vững tâm lý khi “dò” điểm chuẩn những năm trước và phải quyết định kịp thời.
Theo TS Vũ Đức Thái, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông (ĐHTN): “Quy chế tuyển sinh 2021 có nhiều điểm mới, có lợi cho thí sinh. Tuy nhiên, nếu thí sinh không khéo sẽ mất cơ hội, hoặc chọn không đúng ngành yêu thích. Mỗi trường có 3-4 phương thức xét tuyển, các phương thức xét tuyển hoàn toàn độc lập và có giá trị như nhau. Các trường tự chủ tuyển sinh, tuy nhiên, quy chế ghi rõ, khi đã xác định trúng tuyển vào một trường đại học bằng bất kỳ phương thức nào thì coi như quá trình xét tuyển vào đại học năm 2021 kết thúc. Đây là điểm quan trọng thí sinh cần lưu ý.
Với kinh nghiệm nhiều năm tư vấn tuyển sinh, PGS,TS Phạm Thành Long (Đại học Kỹ thuật Công nghiệp) chia sẻ: “Ngành học là quan trọng nhất. Nếu các em đã quyết tâm đi theo một ngành nào đó thì phải xem có bao nhiêu trường đào tạo và điểm mạnh của mỗi trường như thế nào, có phù hợp với điều kiện, học tập, sinh hoạt của bản thân hay không và học ra sẽ làm được gì? Đừng vội vàng chọn trường yêu thích, chọn bất cứ ngành nào miễn là trúng tuyển”.
Theo quy định, thí sinh được đăng ký không giới hạn nguyện vọng nhưng vẫn phải sắp xếp nguyện vọng từ cao xuống thấp, nguyện vọng 1 là ưu tiên cao nhất. Trong đợt 1 các trường xét tuyển các nguyện vọng bình đẳng như nhau không phân biệt thứ tự. Mỗi thí sinh chỉ được trúng tuyển 1 nguyện vọng trong số nguyện vọng các em đã đăng ký. Nếu đã trúng tuyển nguyện vọng trên thì các nguyện vọng sau không được xét nữa. Do vậy khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển, thí sinh lựa chọn những nguyện vọng mong muốn ưu tiên xếp lên trên để có cơ hội trúng tuyển vào ngành, trường mình yêu thích.