Ứng xử văn minh khi va chạm giao thông
Một vụ va chạm giao thông trên Quốc lộ 37, đoạn qua xã Hà Thượng (Đại Từ). |
Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, 4 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 34 vụ tai nạn giao thông. Va chạm giao thông là điều không ai mong muốn, tuy nhiên, khi xảy ra va chạm, việc cãi vã, ẩu đa rất có thể xảy ra nếu người trong cuộc không làm chủ được lời nói và hành động của mình. Bởi vậy, thay vì chửi bới, xúc phạm nhau, người điều khiển phương tiện giao thông nên có những ứng xử văn minh để vụ việc được giải quyết thấu tình, đạt lý.
Hơn một năm trước, ứng xử của người trong cuộc sau một vụ va chạm giao thông trước cổng Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên (đường Lương Ngọc Quyến, phường Quang Trung, TP. Thái Nguyên) khiến dư luận “dậy sóng”. Theo phản ánh của người dân, vào khoảng 22 giờ 20 phút ngày 2/1/2021, một nam thanh niên điều khiển xe máy đã va quyệt với một người chạy bộ sang đường tại khu vực cổng Trường Đại học sư phạm Thái Nguyên. Ngay sau đó, người này đã vùng dậy đánh nam thanh niên dù anh này liên tục kêu đau và nói lời xin lỗi. Hành vi côn đồ đó còn được một nhóm người “tiếp sức”. Họ vừa đấm, đá dã man, vừa chửi bới nam thanh niên.
Dù những người đi đường phát hiện và can ngăn nhưng nhóm người trên vẫn tiếp tục đánh cho đến khi nam thanh niên có biểu hiện choáng váng, muốn gục xuống thì họ mới bỏ đi. Vụ việc này sau đó đã được Công an TP. Thái Nguyên vào cuộc và truy tìm các đối tượng liên quan để điều tra, làm rõ.
Không chỉ có ẩu đả, hầu hết các vụ va chạm giao thông đều xẩy ra cãi vã, to tiếng với nhau, dẫn đến vụ việc khó được giải quyết. Gần đây nhất, vào khoảng 20 giờ ngày 21/4/2022, lực lượng Cảnh sát giao thông (Công an TP. Thái Nguyên) đã tiếp nhận cuộc gọi đề nghị đến hiện trường (gần Sở Công Thương, thuộc đường Bắc Kạn, TP. Thái Nguyên) để giải quyết vụ va chạm giao thông do một nam thanh niên điều khiển xe máy (biển kiếm soát 20-E1 - …72) đâm va vào chiếc ô tô đi cùng chiều.
Theo phản ánh của các chiến sĩ Cảnh sát giao thông, vụ va chạm không quá nghiêm trọng, không có thiệt hại về người, tài sản thiệt hại không đáng kể. Trong vụ việc này, nam thanh niên đi nhanh, không làm chủ được tốc độ đã đâm va vào xe ô tô đi cùng chiều. Đáng ra, anh này cần có lời xin lỗi thì lại nổi đóa, gây gổ khi người điều khiển xe ô tô đề nghị giải quyết vụ việc. Phải đến khi lực lượng chức năng xuất hiện, giải thích đúng sai, anh này mới ngừng chửi bới người điều khiển xe ô tô.
Chị Chu Thị Hoa, tổ 8, phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên), người chứng kiến vụ việc nói: Tôi thấy người điều khiển xe ô tô đã hành xử có văn hóa. Ngay khi va chạm, chị này bước xuống xe và tiến đến hỏi người điều khiển xe máy bị ngã có đau nhiều không. Nếu người điều khiển xe máy ứng xử có văn hóa thì vụ việc đã nhanh chóng được giải quyết chứ không mất nhiều thời gian của lực lượng Cảnh sát giao thông.
Có thể thấy, hành xử thiếu văn hóa của một số cá nhân sau va chạm giao thông không chỉ khiến nhiều người bức xúc mà còn khiến cho các vụ va chạm khó giải quyết, thậm chí xảy ra ẩu đả làm bị thương người trong cuộc. Ở Việt Nam, không ít trường hợp sau khi ẩu đả do va chạm giao thông đã phải lĩnh án tù giam vì đánh người gây thương tích như trường hợp của L.T.T, ở Bình Dương; N.T. ở Bến Tre…
Ông Chu Anh Tuấn, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) cho rằng: Chính những hành vi ứng xử thiếu văn hóa cộng với việc thiếu hiểu biết pháp luật đã “châm ngòi” để nhiều vụ va chạm giao thông việc trở nên phức tạp hơn rất nhiều. Không ít trường hợp, dù chưa phân tích rõ nguyên nhân đúng, sai đã lao vào xô xát, cãi vã, lăng mạ nhau… Bởi vậy, để các vụ va chạm giao thông được giải quyết thấu tình, đạt lý thì người trong cuộc nên bình tĩnh, ứng xử văn minh để có phương án giải quyết tối ưu nhất trên tinh thần thượng tôn pháp luật và tôn trọng nhau. Đặc biệt, khi xảy ra va chạm giao thông, người dân nên báo cho lực lượng Cảnh sát giao thông để làm rõ nguyên nhân cũng như kịp thời xử lý, bồi thường nếu có thiệt hại về tài sản, sức khỏe cho những bên liên quan...
Ứng xử văn hóa, biết nhường nhịn lẫn nhau khi tham gia giao thông cũng như sau va chạm giao thông là điều rất cần thiết. Bởi qua đó chúng ta không chỉ góp phần xây dựng văn hóa giao thông, mà còn giúp kéo giảm đáng kể các vụ tai nạn giao thông...