Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa

Cập nhật: Thứ hai 21/10/2019 - 10:20
 Du khách chụp ảnh lưu niệm trước Mái lán Tỉn Keo, xã Phú Đình (Định Hoá).
Du khách chụp ảnh lưu niệm trước Mái lán Tỉn Keo, xã Phú Đình (Định Hoá).

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1 Khu di tích Quốc gia đặc biệt, gồm 13 điểm di tích; 49 di tích Quốc gia; 205 di tích cấp tỉnh đã được lập hồ sơ khoa học xếp hạng theo đúng quy định của Luật Di sản văn hoá. Từ nhiều năm nay, công tác quản lý Nhà nước về di sản văn hoá trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm và thực hiện hiệu quả. Các di tích lịch sử - văn hoá ngoài phục vụ cho ngành Du lịch khai thác phục vụ nhân dân, du khách, còn là một môi trường giáo dục, nhắc nhở các thế hệ về truyền thống lịch sử của dân tộc.

Để tuyên truyền, quảng bá về giá trị của hệ thống di tích lịch sử - văn hoá đến bạn bè trong nước, quốc tế, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch thường xuyên tổ chức các hoạt động gắn liền với quảng bá di sản, như: Tổ chức vinh danh, ca ngợi giá trị truyền thống lịch sử, cảnh đẹp của di tích tại các buổi lễ đón bằng xếp hạng di tích tại địa phương; tổ chức khai mạc mùa du lịch tại điểm di tích để quảng bá, giới thiệu điểm đến; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo đưa các chương trình thực tế ngoại khóa của học sinh tại di tích lịch sử trên địa bàn. Đặc biệt, trong những năm gần đây, tỉnh Thái Nguyên là thành viên tham gia chương trình “Du lịch qua những miền di sản Việt Bắc”, đây là cơ hội để quảng bá tiềm năng, thế mạnh về du lịch của tỉnh dựa trên nền tảng thế mạnh về di tích lịch sử, cách mạng và di tích danh thắng.

Để công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn toàn tỉnh thực hiện thống nhất, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước, Sở chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền quảng bá sâu, rộng các văn bản luật, dưới luật, như: Luật Di sản văn hóa; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hoá; các nghị định, thông tư của Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và của tỉnh có liên quan tới di sản văn hoá đến các cấp chính quyền địa phương, cộng đồng nhân dân. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền, như: Hội nghị, hội thảo, tập huấn chuyên môn, ban hành văn bản... Do đó, công tác quản lý di sản văn hoá trên địa bàn toàn tỉnh được thực hiện có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá vật thể và phi thể, không ngừng hướng tới mục tiêu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo chủ trương của Đảng, Nhà nước. 

Qua tìm hiểu chúng tôi còn được biết: Trong thời gian từ năm 2016 đến hết năm 2018, Sở đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành và trực tiếp ban hành 252 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn trong lĩnh vực quản lý di sản văn hoá. Do các văn bản ban hành sát với thực tiễn, nên có tính khả thi, đáp ứng được yêu cầu trong công tác quản lý Nhà nước; đồng thời tạo được sự thống nhất, đồng thuận cao giữa các cấp và ngành trong quá trình triển khai thực hiện. Điển hình như các quyết định, kế hoạch về việc bổ sung danh mục di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh phân cấp cho UBND các huyện, thành phố, thị xã quản lý, bảo vệ, khai thác phát huy giá trị; quyết định về việc kiện toàn hội đồng thẩm định hồ sơ khoa học xếp hạng di tích lịch sử văn hoá, kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh; kế hoạch của UBND tỉnh về việc Tổ chức Hội thảo khoa học “Đại đội 915 Anh hùng chiến công và sự hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc”... Gần đây nhất là việc tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch kiểm kê di tích trên địa bàn tỉnh giai đoạn 20192022. Theo bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Sở: Quyết định này nhằm mục đích đánh giá hiện trạng, nhận diện, phân loại, lập danh mục, xác định số lượng di tích hiện có trên địa bàn tỉnh đến thời điểm kiểm kê, để làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản, phục vụ phát triển văn hoá, du lịch, kinh tế - xã hội của tỉnh. 

Cũng trong thời gian 3 năm gần đây, Sở đã lập hồ sơ khoa học, trình UBND tỉnh ban hành 40 quyết định xếp hạng đối với 40 di tích cấp tỉnh; báo cáo UBND tỉnh, đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng 6 di tích Quốc gia. Sở cũng đã thẩm định, trình cấp có thẩm quyền nghiên cứu, phê duyệt 37 hồ sơ dự án tu bổ, tôn tạo di tích theo đề nghị của các đơn vị, địa phương bằng các nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác. Hiện Sở đang trong quá trình tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện các bước theo trình tự luật định để xây dựng 3 quy hoạch liên quan đến quản lý, phát huy và bảo vệ di tích, gồm: Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hoá gắn với phát triển du lịch đến năm 2030; Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Lý Nam Đế, xã Tiên Phong (T.X Phổ Yên); Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích Lịch sử Quốc gia Núi Văn, Núi Võ (Đại Từ). Đây là những nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược làm cơ sở quan trọng trong việc hoạch định chính sách quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn tỉnh.

Bà Trần Thị Nhiện, Trưởng Phòng Quản lý Di sản văn hoá (Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch) cho biết: Từ năm 2016 đến hết năm 2018, tổng kinh phí của Nhà nước, các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm đầu tư cho công tác tôn tạo di tích đạt khoảng 80 tỷ đồng. Nổi bật trong những năm gần đây, nhiều di tích được trung tu, tôn tạo xứng tầm với lịch sử được huy động từ nguồn xã hội hoá, như: Di tích Lịch sử Quốc gia Địa điểm lưu niệm các Thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái hy sinh tại ga Lưu Xá, phường Gia Sàng (T.P Thái Nguyên); Địa điểm Trường Đảng Nguyễn Ai Quốc, xã Bình Thành (Định Hóa); Địa điểm thành lập Ủy ban Kiểm tra Trung ương...

Ông Nguyễn Văn Nương, Phó Trưởng Ban phụ trách Ban Quản lý Khu di tích Lịch sử sinh thái ATK Định Hoá cho biết: Hằng năm Ban đều lập kế hoạch bảo tồn, phục hồi, tôn tạo Di tích. Sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đơn vị tiến hành thực hiện theo đúng các trình tự quy định của Luật Di sản. Bình quân 1 năm, đơn vị được tỉnh cấp 2 tỷ đồng để chi cho công việc này. Tuy không đáng kể so với thực trạng xuống cấp của Di tích, nhưng bảo đảm an toàn, đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu, học tập của nhân dân, du khách về nguồn. 

Liên quan đến việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hoá, ông Đào Quang Thành, Chánh Thanh tra Sở cho biết: Để các di sản văn hoá được quản lý, khai thác đúng mục đích, Thanh tra Ngành thường xuyên tăng cường các hoạt động kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời các vi phạm, không để sai phạm xảy ra trầm trọng làm ảnh hưởng đến di tích... Và do các cấp, ngành và mọi người dân cùng vào cuộc, nên các di tích lịch sử - văn hoá, dù bị xuống cấp, và dù kinh phí tu bổ, tôn tạo hạn hẹp nhưng hầu hết đều phát huy được giá trị thông qua hoạt động tham quan du lịch, nghiên cứu, học tập.

Phạm Ngọc Chuẩn
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: