Quê hương vị Hoàng đế đầu tiên của dân tộc
Chùa Hương Ấp - nơi vua Lý Nam Đế từng tu hành và đền Mục - nơi thờ Đức vua ở xã Tiên Phong đã được Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Trong ảnh: Các đại biểu thắp hương tại chùa Hương Ấp. |
Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, Phổ Yên đã có nhiều đóng góp to lớn cả về sức người, sức của, đồng hành cùng với lịch sử và dân tộc, ghi nhiều dấu ấn quan trọng của vị thế vùng đắc địa “ngã ba sông”. Những dấu ấn không chỉ được ghi vào lịch sử mà còn in dấu trong những tên đất, tên làng, những di tích và cả những huyền tích còn lưu truyền trong dân gian.
Vào giữa thế kỷ VI, một mốc đột phá trong lịch sử ngàn năm chống giặc phương Bắc đô hộ của nhân dân ta được đánh dấu bằng cuộc khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của người anh hùng dân tộc Lý Bí. Năm 542, Người đã dấy binh khởi nghĩa và đi đến thắng lợi năm 544, khai sinh nền độc lập tự chủ của đất Việt, lập lên nước Vạn Xuân, xưng Đế hiệu, trở thành vị Hoàng đế đầu tiên trong lịch sử dân tộc - Lý Nam Đế. Mảnh đất địa linh nhân kiệt Phổ Yên tự hào đã sinh ra người anh hùng dân tộc Lý Bí và cuộc đời, sự nghiệp của người anh hùng đã làm rạng rỡ thêm vùng đất anh hùng.
Trong lịch sử Việt Nam, cuộc khởi nghĩa Lý Bí đã để lại dấu ấn đậm nét trong chặng đường lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm bền bỉ, lâu dài, gian khổ và bất khuất của dân tộc. Lý Bí là người đầu tiên xưng Hoàng đế sánh ngang hàng, làm đối trọng với các Hoàng đế Trung hoa ở phương Bắc, thể hiện tư duy chiến lược về chính trị, ý chí quật cường, khát vọng độc lập và tư tưởng tự tôn dân tộc của ông. Tên tuổi, sự nghiệp của Lý Nam Đế gắn với các địa danh, các sự kiện lịch sử cụ thể đã được ghi rõ trong chính sử. Và cho đến ngày nay, các nhà sử học trên cơ sở những chứng cứ lịch sử xác thực đã tìm ra quê hương của Lý Bí là ở ấp Thái Bình, châu Giã Năng, xứ Kinh Bắc, ngày nay là thôn Cổ Pháp, xã Tiên Phong, huyện Phổ Yên. Điều đó làm tăng thêm niềm tự hào của nhân dân các dân tộc trong huyện về mảnh đất Phổ Yên giàu truyền thống cách mạng, mảnh đất đã sản sinh ra người anh hùng với tài năng xuất chúng đã đi vào sử xách làm rạng danh quê hương xứ sở.
Trải qua thăng trầm của lịch sử, nhân dân các dân tộc thị xã Phổ Yên luôn nêu cao ý chí, lòng quyết tâm, sự đoàn kết một lòng, sẵn sàng đóng góp công sức, tiền của, trí tuệ, cùng với nhân dân cả nước đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng ấm no, hạnh phúc và phát triển. Người dân Phổ Yên hôm nay có quyền tự hào về những dấu mốc lịch sử trên quê hương họ; có quyền tự hào về những gì đã, đang và sẽ làm được. Một huyện thuần nông đã chuyển mình thành thị xã công nghiệp với nhiều nhà máy, xí nghiệp, công xưởng… mọc lên san sát; với phố sá sầm uất, phồn thịnh, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao.
Phổ Yên không chỉ coi trọng việc phát triển kinh tế mà song hành với đó, sự nghiệp giáo dục - đào tạo luôn được đầu tư, quan tâm xứng tầm, góp phần phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và an ninh, quốc phòng trên địa bàn. Trong những năm qua, Thị ủy - HĐND - UBND thị xã Phổ Yên đã có nhiều quyết sách để đầu tư cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo, góp phần tạo ra những bước phát triển đột phá của ngành, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Năm học 2014- 2015, 71/71 trường trên địa bàn huyện đã đạt chuẩn Quốc gia, trong đó cấp THCS đạt 17/17 trường, cấp Tiểu học đạt 28/28 trường, ngành học Mầm non đạt 26/26 trường. Những kết quả về công tác xây dựng trường chuẩn Quốc gia của các cấp học đã góp phần thúc đẩy toàn ngành Giáo dục & Đào tạo thị xã Phổ Yên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Chất lượng giáo dục toàn diện được duy trì, giữ vững. Chất lượng giáo dục mũi nhọn dành cho học sinh Trung học cơ sở qua các cuộc thi tài năng do ngành Giáo dục - Đào tạo các cấp tổ chức đều có học sinh dự thi và đạt giải cao. Với kết quả phấn đấu trong nhiều năm liên tục, ngành Giáo dục - Đào tạo Phổ Yên là một trong những đơn vị nhiều năm dẫn đầu phong trào thi đua của ngành Giáo dục - Đào tạo tỉnh Thái Nguyên…
Nói về sự học, trở lại lịch sử, ngay từ khoa thi đầu tiên của khoa cử Nho học (năm 1075) đến khoa thi cuối cùng của nhà Lê Trung Hưng (năm 1788), trong số 10 người của đất Thái Nguyên đỗ Tiến sĩ (học vị cao nhất dưới thời phong kiến), huyện Phổ Yên có 2 người là Nguyễn Cấu (đỗ khoa Quý Mùi -1463) và Đỗ Cận (đỗ khoa Mậu Tuất - 1478)…
Trong những ngày Phổ Yên tưng bừng, phấn khởi chào đón sự kiện ghi dấu lịch sử - chính thức được công nhận là thị xã công nghiệp, chúng tôi nhắc lại chuyện xưa, chuyện nay để khẳng định thêm niềm tự hào, hãnh diện của nhân dân các dân tộc trên địa bàn Phổ Yên về mảnh đất lành, nuôi dưỡng, sản sinh những nhân tài, góp phần làm rạng danh non sông, đất nước.