Về Huế, nghe Nhã nhạc - uống trà Thái
Mỗi năm, cửa hàng của chị Trần Thị Nhạn ở Chợ Đông Ba (T.P Huế) bán được hơn 1 tấn chè búp Thái Nguyên cho người tiêu dùng. |
(TN)- Ngồi bên dòng Hương Giang, chợt câu Nam ai, Nam bằng cất lên da diết, vời vợi một niềm thương, gợi lòng tôi nhớ về quê hương trà xứ Thái. Với tôi, dù không phải lần đầu về Huế (Thừa Thiên - Huế), nhưng lần nào trong lòng cũng ngập tràn cảm xúc, bởi được hít thở bầu không khí của vùng đất Cố đô mà mỗi tấc đất, dòng sông và con người ở đây đều đi vào thi ca. Để tôi, mỗi lần đến Huế, bận mấy cũng dành chút riêng, ra quán nhỏ ở đầu cầu Trường Tiền, lần ngồi bên bờ tả, khi ngồi bên bờ hữu, cùng mấy người bạn gốc Huế nhẩn nha với chén Trà Thái Nguyên quê mình.
Những người bạn Huế của tôi, phần nhiều đều đã được thưởng thức trà Thái Nguyên từ dạo ra Hà Nội học đại học. Vì thế, bạn bè gặp lại nhau, chào hỏi dăm câu đã vội kéo nhau vào quán, gọi ấm trà Thái Nguyên chính hiệu. Lần nào bà chủ quán cũng nói vui: Ở Huế chỉ có trà Bắc Thái, hoặc trà Bắc. Còn trà Thái Nguyên, các chú phải uống Trà Tân Cương, Trại Cài, Hom Giỏ… Tôi lặng ngồi, nghĩ suy, mừng cho hương trà quê mình đã toả thơm đến nhiều miền đất nước... Ngồi uống trà Thái Nguyên lại gặp bạn tri âm, tri kỷ, nhìn chén nước sóng sánh xanh, thấy miệng chén hư ảo màn khỏi trắng mơ hồ, bên tai da diết từng khúc ca Huế mến thương, như ru hồn dìu chúng tôi bước lên một khoang thuyền, rồi lại một ấm trà Thái, bồng bềnh trên dòng Hương Giang, nghe một khúc nam ai, nam bình vời vợi một miền hoài niệm.
Buông lỏng chiếc nhị trên tay, ông Nguyễn Thanh Vân, 64 tuổi, người tham gia biểu diễn phục vụ du khách cho biết: Ca nhạc truyền thống Huế có khoảng 80 làn điệu, bài bản của dòng nhạc dân gian, âm nhạc thính phòng và một phần nhã nhạc cung đình Huế, trong đó nhã nhạc cung đình gồm 10 bài bản trong liên khúc "Mười bản ngự để hoà tấu". Âm nhạc thính phòng có hơn 24 bài bản của 2 điệu Bắc và Nam với các bài nổi tiếng như "Cổ bản", "Lưu thuỷ", "Lộng Điệp", "Nam ai", "Nam bình". Dân ca có trên 25 điệu hò, như: "Hò mái nhì", "Hò mái đầy", "Hò giã gạo" và "Hò khoan"…
Thuyền vẫn lặng lẽ trôi, trong đôi tay các nghệ nhân, từng phím trên nhạc cụ lại cất lên, nẩy nền cho nhóm nữ ca tha thướt trong áo dài Huế ngân rung thành âm hưởng chỉ Huế mới có. Tôi buột miệng hát nhại theo một làn điệu quan họ của đất Kinh Bắc (Bắc Ninh): "Chiêu một ngụm trà, gặp nhau chiêu một ngụm trà… Không chiêu cầm lấy, cho mình với ta… Anh còn…" sau cái vị chát đắng là dư vị ngọt hậu la toả, cảm giác khoan khoái, thấy lòng hào sảng khi nghĩ suy về dải đất của Tổ quốc mình mang hình chữ S, thì Huế là điểm tâm của 2 thành phố lớn của đất nước, từ T.P Hồ Chí Minh đến hoặc từ Hà Nội về đều có đoạn đường dài hơn 600km. Còn từ Huế lên đến vùng chè Thái Nguyên có chặng đường dài hơn 700km. Vậy mà từ lâu, ca Huế có nhiều người Thái Nguyên hát, cũng như trà Thái Nguyên có nhiều người Huế uống.
Các cụ dạy: "Hữu xạ tự nhiên hương" là ở đây. Chè của xứ Thái Nguyên có mặt trên khắp miền đất nước, và cũng đọng lại ở đây, xứ Huế, một chút thôi, chè Thái, thế cũng đủ rồi. Nhớ năm 2011, tôi có dịp công tác ở Huế 10 hôm, vào Cố đô, mặc áo Vua, ngồi ngai, chụp ảnh, trông ngộ ngộ… Vua đấy. Bạn bè kéo đi thăm hết các lăng tẩm, đền đài rồi về nhà, ăn cơm, buông đũa lại rủ nhau ra sông Hương, xuống thuyền, uống trà Thái, nghe Nhã nhạc Cung đình. Tưởng tượng mình như bậc quân vương, thả hồn theo sóng nước, thấy hiện hữu những dòng Ô Lâu, Rào Trung, An Cựu, Lăng Cô và cửa biển Thuận An, Tư Hiền, xa xa là các ngọn núi Động Ngai, Động Truồi, Co A Nong, Tro Linh, Bạch Mã… Huế tự hào có 2 di sản văn hoá thế giới là Quần thể di tích Cố đô và Nhà nhạc Cung đình. Nhã nhạc Cung đình Huế là loại hình âm nhạc chính thống được xem là Quốc nhạc của nhà Nguyễn (1802-1945). Nhã nhạc được biểu diễn trong các ngày lễ trọng của Hoàng cung, như: Tế Nam giao, tế xã tắc, mừng đăng quang, mừng thọ vua và trong nghi lễ đón tiếp xứ thần.
Về Huế, uống trà Thái Nguyên, ngồi bên dòng Hương Giang, được nghe tiếng sáo, tiếng nhị cùng lời hò da diết của dân ca xứ Huế, tôi có cảm nhận rằng, từ Thủ phủ gió ngàn Thái Nguyên về đến Cố đô Huế không xa lắm. Và đó là một quãng đường tràn đầy hương trà Thái Nguyên với nồng nàn hương ca Nhã nhạc Cung đình Huế.