Những phận đời trong “Bản tình ca khúc khuỷu”
Thượng tá Nguyễn Hồng Lam là nhà văn, nhà báo (Cục Truyền thông, Bộ Công an) được đông đảo công chúng biết đến bởi sự dấn thân, nhất là trong lĩnh vực phóng sự và điều tra. Với khả năng đặc biệt về khắc hoạ chân dung và nội tâm nhân vật, anh mang đến cho độc giả những câu chuyện thực đầy ám ảnh, day dứt nhưng luôn đọng lại sự nhân văn. Nhiều tập truyện ký đã được tác giả Nguyễn Hồng Lam biên tập xuất bản và mới nhất là cuốn sách “Bản tình ca khúc khuỷu”.
“Bản tình ca khúc khuỷu” gồm 16 bài viết về những phận người đặc biệt. Trong phần giới thiệu, tác giả viết: Tất cả nhân vật trong cuốn Bản tình ca khúc khuỷu mà bạn đang cầm trên tay đều không nổi tiếng. Họ sống như đã sống, sống xứng đáng, vì đơn giản đó đều là những con người đã sống đến kiệt cùng đời họ, đi đến nấc giản dị cuối cùng mà thiên chức buộc họ phải trót mang.
Mỗi tác phẩm trong tập sách khắc họa những thân phận, cuộc đời khác nhau mà tác giả Nguyễn Hồng Lam gặp gỡ và tiếp xúc trong những năm dài rong ruổi khắp mọi miền đất nước.
Đó là tình yêu son sắt, thủy trung của cô giáo trẻ Ngọc Điệp với người yêu chịu án tù chung thân, nhưng khi sự thật được phơi bày thì “Cuộc đời cô, tình yêu của cô, gió bụi cuộc đời đã rứt đi, tan tác biết mấy thu rồi…!” (Bản tình ca khúc khuỷu).
Là nỗi khao khát được làm mẹ, được có một gia đình của chị Mâu. Chị đã nhận nuôi bé Xuyến và chấp nhận thân phận rổ rá cạp lại với một người nông dân đã có vợ. Nhưng ước mơ giản dị đó lại dễ dàng vụn tan ra bởi đói nghèo đeo bám (Những đứa trẻ không có mùa Thu).
Những chân dung nhân vật hết sức đời thường mà nếu tình cờ lướt qua trong dòng người ngược xuôi thì đôi khi chúng ta sẽ vô tình không để ý. Thế nhưng, Nguyễn Hồng Lam đã ngồi lại lắng nghe, thấu hiểu và sẻ chia bởi họ đáng để yêu thương.