Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế:
Bảo đảm quyền lợi cho người dân vùng khó
Bác sĩ Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên khám bệnh, cấp thuốc cho các đối tượng chính sách được phát thẻ bảo hiểm y tế miễn phí ở xã Vô Tranh (Phú Lương). Ảnh: H.T |
Hiện nay, toàn tỉnh có gần 1,3 triệu dân, trong đó 98,5% có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Các trường hợp hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), người dân ở vùng đặc biệt khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách xã hội đều được phát thẻ BHYT miễn phí. Riêng với những hộ cận nghèo được Chính phủ hỗ trợ 70% giá trị thẻ, tỉnh hỗ trợ thêm 30%. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho bà con, nhất là người dân vùng khó khăn được khám, chữa bệnh (KCB) ở tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn, được BHYT chi trả tiền thuốc, vật tư y tế.
Từ thực tế cho thấy, trong điều kiện tỷ lệ hộ nghèo, đồng bào DTTS ở vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh vẫn còn chiếm khá cao như hiện nay thì chính sách phát miễn phí BHYT của Đảng và Nhà nước chính là “tấm lưới” an sinh xã hội quan trọng, giúp người dân giảm bớt khó khăn trong cuộc sống (mỗi năm toàn tỉnh có trên dưới 2 triệu lượt bệnh nhân KCB BHYT, với số tiền được chi trả trên 1.000 tỷ đồng).
Trao đổi với chúng tôi, ông Lã Văn Dần, Bí thư Chi bộ xóm Cầu Sào, xã Đức Lương (Đại Từ) cho biết: Xóm tôi có 85 hộ dân, trên 280 nhân khẩu, trong đó phần lớn là hộ đồng bào dân tộc Tày nên bà con cơ bản được cấp phát thẻ BHYT miễn phí. Mỗi khi đau ốm, thẻ BHYT đã hỗ trợ cho chúng tôi rất nhiều từ chi phí thăm khám, thuốc chữa bệnh… Cũng nhờ được cấp phát thẻ BHYT miễn phí nên nhiều người thuộc diện hộ nghèo, ở vùng DTTS, đặc biệt khó khăn, khi không may mắc trọng bệnh vẫn được hưởng các dịch vụ y tế chất lượng. Đơn cử như trường hợp anh M.V.T, một bệnh nhân ở xã Tân Long (Đồng Hỷ) bị ung thư thanh quản giai đoạn 1. Với tấm thẻ BHYT được Nhà nước cấp miễn phí, anh đã được điều trị bệnh bằng những kỹ thuật hiện đại nhất tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên (chi phí điều trị lên đến vài chục triệu đồng). Sau một thời gian điều trị, tình hình sức khỏe của anh tiến triển tốt, đã có thể tham gia lao động sản xuất tại địa phương.
Không dừng lại ở đó, khi có thẻ BHYT, người dân, nhất là bà con ở vùng khó còn được điều trị miễn phí các bệnh mạn tính như tiểu đường, cao huyết áp… Hiện nay, toàn tỉnh đã có 119 trạm y tế xã tổ chức khám, quản lý, điều trị ngoại trú theo BHYT cho những trường hợp mắc bệnh cao huyết áp, với các bệnh nhân bị tiểu đường cũng được theo dõi, quản lý, điều trị theo BHYT tại các bệnh viện tuyến huyện và tuyến tỉnh.
Bác sĩ Trạm Y tế xã Bảo Cường (Định Hóa) khám bệnh cho đối tượng chính sách được phát thẻ BHYT miễn phí. Ảnh: N.N
Theo ông Hoàng Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế: Thẻ BHYT đã giúp người dân là đối tượng chính sách, trường hợp khó khăn, đồng bào vùng DTTS có thể tiếp cận được với dịch vụ y tế công. Việc tổ chức KCB BHYT sẽ bắt đầu từ các cơ sở y tế tuyến xã rồi đến huyện, tỉnh và trung ương. Do đó, người dân được KCB và chăm sóc sức khỏe tại các cơ sở y tế gần nơi sinh sống nhất; được thực hiện thông tuyến KCB…
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng hiện nay, công tác KCB BHYT cho người dân vùng khó trên địa bàn tỉnh vẫn đang gặp một số vướng mắc. Trong đó, đáng lưu ý là tình trạng không ít hộ dân còn thiếu hiểu biết về chính sách này. Nhất là đối với các thủ tục, giấy tờ khi đi khám bệnh tại các cơ sở y tế. Thực tế này đòi hỏi ngành BHXH, các cơ quan chức năng nên tiếp tục tăng cường tổ chức hướng dẫn, phổ biến cho người dân những thủ tục thực hiện KCB bằng BHYT để bà con không bị sai thông tin hoặc khó khăn trong việc thanh toán sau khi KCB tại các cơ sở y tế.
Bên cạnh đó, ông Nông Đình Điệp, Bí thư Đảng ủy xã Phú Cường (Đại Từ) cho rằng: Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng, chúng tôi rất mong Nhà nước có những cơ chế, chính sách thu hút các chuyên gia, bác sỹ, dược sỹ có trình độ chuyên môn, tay nghề về công tác tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Quan tâm đào tạo, nâng cao tay nghề cho đội ngũ y, bác sĩ tuyến cơ sở đảm bảo về số lượng, chất lượng để phục vụ nhân dân.
Cùng với đó, quan tâm giải quyết những khó khăn trong chính sách áp dụng BHYT đối với một số trường hợp không thanh toán được bảo hiểm, đặc biệt là đối với nhiều loại dịch vụ y tế chất lượng cao. Đồng thời, các cấp, ngành chức năng quan tâm giải quyết quyền lợi cho người có thẻ BHYT, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về giá thuốc, vật tư y tế sử dụng cho người bệnh BHYT…
Ngoài những vướng mắc nêu trên thì ở tầm vĩ mô, những nhà hoạch định chính sách cũng nên có cái nhìn toàn diện để nhận diện rõ rằng, phát triển BHYT đối với vùng đồng bào DTTS, vùng khó, hộ nghèo… không chỉ đơn thuần là mở rộng đối tượng tham gia BHYT, mà quan trọng là cần huy động được nguồn lực cho BHYT, nâng cao chất lượng dịch vụ. Vì vậy, trong thời gian tới, Thái Nguyên mong muốn các nhà hoạch định chính sách của đất nước khi đưa ra các quyết định mở rộng các hình thức BHYT hay tăng cường nguồn lực tài chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia BHYT cần gắn liền với việc nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người dân; quan tâm nâng cao năng lực của cơ quan BHYT, cải cách và cải tiến thủ tục hành chính…