Giảm tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên:
Cách làm của Phú Lạc
Hiện nay, tại các điểm trường mầm non của xã Phú Lạc (Đại Từ), số trẻ nam nhiều hơn trẻ nữ. Do đó, địa phương đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân thực hiện tốt công tác dân số, KHHGĐ, tránh xảy ra tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. |
Những năm trước, số trường hợp sinh con thứ ba trở lên ở Phú Lạc (Đại Từ) cao đột biến, có năm tăng lên gần chục trường hợp. Trước thực trạng đó, xã đã có nhiều giải pháp hợp lý trong tuyên truyền, vận động, nên đã giảm được số trường hợp sinh con thứ ba trở lên, góp phần thực hiện tốt công tác dân số, KHHGĐ ở địa phương.
Tìm hiểu, chúng tôi được biết, các trường hợp sinh có thứ ba trở lên ở Phú Lạc hầu hết là những gia đình có kinh tế khá giả, sinh con một bề là gái. Chị Đinh Thị Tú, cán bộ phụ trách công tác tuyên truyền về dân số, KHHGĐ xã cho biết: Do vẫn còn tư tưởng trọng nam nên những gia đình này muốn sinh thêm con trai để có người nối dõi tông đường. Hơn nữa, hiện nay, hệ thống an sinh xã hội cho người cao tuổi chưa đảm bảo. Ở khu vực nông thôn như Phú Lạc, người già hầu hết không có lương hưu hay trợ cấp xã hội, họ cần sự chăm sóc về y tế. Bởi thế, cuộc sống của họ khi về già phụ thuộc nhiều vào con cái, mà chủ yếu là con trai. Vì lẽ đó, những cặp vợ chồng không có con trai cảm thấy lo lắng cho tương lai nên đã sinh thêm con thứ ba trở lên.
Cũng theo chia sẻ của chị Tú, ở nông thôn, do nhu cầu phát triển kinh tế gia đình đòi hỏi sức lao động cơ bắp của nam giới nên con trai là trụ cột tinh thần và kinh tế của gia đình cũng khiến cho nhu cầu sinh con trai ở Phú Lạc tăng.
Anh Trương Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND xã nói: Nhận thức được hậu quả của việc gia tăng sinh con thứ ba trở lên là gây mất cân bằng giới tính khi sinh; nên 3 năm trở lại đây, chúng tôi đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền đối với công tác dân số, KHHGĐ trong việc giải quyết có hiệu quả các mục tiêu chính sách DS-KHHGĐ, nhất là tập trung ổn định mức sinh, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên.
Theo đó, địa phương đã đẩy mạnh hoạt động truyền thông, vận động làm thay đổi nhận thức, hành vi của người dân, tạo thành phong trào toàn dân hưởng ứng thực hiện chính sách dân số, KHHGĐ. Công tác tuyên truyền được thực hiện đa dạng như thông qua cụm loa truyền thanh của xóm; trực tiếp tại gia đình hoặc lồng ghép với các hội nghị của xóm, xã…
Bên cạnh đó, Phú Lạc đã huy động sự vào cuộc của ban MTTQ và tổ chức đoàn thể ở các xóm, đội ngũ cộng tác viên y tế, cộng tác viên dân số tham gia tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật của Đảng, nhà nước, của tỉnh về dân số, KHHGĐ. Ngoài ra, địa phương còn khuyến khích các gia đình, xóm, dòng họ xây dựng đời sống văn hóa gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; thực hiện chính sách dân số gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới...
Bằng nhiều giải pháp thiết thực, 2 năm trở lại đây, số trường hợp sinh con thứ ba ở Phú Lạc đã giảm đáng kể. Theo chị Lý Thị Tuyết, Trạm trưởng Trạm Y tế xã: Năm 2017, xã có tới 7 trường hợp sinh con thứ ba trở lên, trong đó xóm Phương nam 3 có 4 trường hợp, xóm Văn Giang có tới 3 trường hợp. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây (2018, 2019), đã giảm xuống còn 3 trường hợp/năm.
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng địa phương vẫn còn không ít trăn trở. Anh Bắc cho hay: Mong mỏi có con trai trong gia đình liên quan đến vấn đề văn hóa, phong tục, tập quán của người dân nên chúng ta phải ứng xử với việc mất cân bằng giới tính khi sinh như là một vấn đề văn hóa. Để giảm được tỷ số giới tính khi sinh, phải có thêm nhiều chính sách ưu tiên đối với phụ nữ, ưu tiên đối với những gia đình sinh con một bề là gái. Tôi rất mong nhà nước rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật, tuyệt đối cấm mọi hình thức lựa chọn giới tính khi sinh.
Vài năm nay, theo quy định, những trường hợp sinh con thứ ba trở lên bị mất danh hiệu gia đình văn hóa nhưng xóm đó vẫn đạt danh hiệu xóm văn hóa (nếu chỉ có 1 trường hợp sinh con thứ ba trở lên). Bởi thế, những hộ sinh con thứ ba trở lên đều cho rằng việc làm của họ không ảnh hưởng đến tập thể nên không còn e dè với quyết định sinh thêm con. Điều này gây nhiều khó khăn cho địa phương trong thực hiện các mục tiêu, chính sách dân số KHHGĐ. Do đó, nhà nước nên xem xét, điều chỉnh các quy định cho phù hợp, giúp các địa phương có căn cứ để xử lý “mạnh tay” các trường hợp sinh con thứ ba trở lên cũng như có nhiều thuận lợi trong quá trình triển khai công tác dân số…