Cần hiểu đúng về chính sách dân số
Trong xã hội hiện nay, trẻ em gái và trẻ em trai đều được quan tâm chăm sóc như nhau. Trong ảnh: Học sinh Trường Mầm non Trưng Vương (T.P Thái Nguyên) trong giờ học ngoại khóa. |
Thời gian qua, rất nhiều người dân trên địa bàn tỉnh truyền tai nhau thông tin: Những cặp vợ chồng sinh con một bề, đúng chính sách sẽ được Nhà nước hỗ trợ tiền. Vì vậy, không ít gia đình đã thắc mắc vì sao chưa thấy việc hỗ trợ được triển khai.
Chị N.T.H, ở tổ dân phố số 8, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) nói: Vợ chồng tôi sinh được hai con gái. Tôi nghe nói những cặp vợ chồng sinh như chúng tôi sẽ được hỗ trợ nhưng cho đến nay vẫn không thấy chính sách này được triển khai đến các hộ gia đình. Hiện nay, khu vực tôi sinh sống có đến gần 40% số hộ sinh con một bề là gái. Họ đều có chung thắc mắc như tôi.
Thắc mắc của chị H. cũng là suy nghĩ của rất nhiều gia đình sinh con một bề là gái, đúng chính sách trong tỉnh (tức là sinh đủ 2 con là gái). Tuy nhiên, đây là một cách hiểu hoàn toàn sai lệnh bởi trên thực tế, Nhà nước chỉ có chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số theo Nghị định số 39/2015/NĐ-CP ngày 27/4/2015 của Chính phủ, có hiệu lực thi hành từ 15/6/2015.
Hiện nay, tỉnh ta đang thực hiện hỗ trợ cho phụ nữ người dân tộc thiểu số nghèo theo Nghị định số 39/2015/NĐ-CP ngày 27/4/2015 của Chính phủ. Bà Hồ Thị Thanh Thủy, Chi cục Trưởng Chi cục Dân số, KHHGĐ tỉnh, cho hay: Áp dụng Nghị định này, phụ nữ người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo khi sinh con đúng chính sách dân số sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng/người từ tháng đầu sau sinh con. Nghị định quy định rõ, đối tượng được hỗ trợ là phụ nữ người dân tộc thiểu số hoặc phụ nữ là người Kinh có chồng là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn (trừ các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc) khi sinh con thuộc một trong các trường hợp sau đây: Sinh một hoặc hai con; sinh con thứ ba, nếu cả hai vợ chồng hoặc một trong hai người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người, hoặc thuộc dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân; sinh lần thứ nhất mà sinh ba con trở lên; đã có một con đẻ, nhưng sinh lần thứ hai mà sinh hai con trở lên; sinh lần thứ ba trở lên, nếu tại thời điểm sinh chỉ có một con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi; sinh con thứ ba, nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền đã được Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương xác nhận… Nghị định cũng quy định, đối tượng thụ hưởng sẽ được nhận trực tiếp 2 triệu đồng/người bằng tiền mặt từ tháng đầu sau khi sinh con.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, riêng năm 2019, toàn tỉnh đã thực hiện chi 736 triệu đồng hỗ trợ cho 368 hộ phụ nữ người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, sinh con một bề là gái, đúng chính sách theo Nghị định số 39. Số tiền hỗ trợ tuy không lớn nhưng đã khuyến khích các hộ dân nghèo vùng cao thực hiện tốt chính sách kế hoạch hóa gia đình, đảm bảo mục tiêu mỗi gia đình chỉ nên sinh từ một đến hai con.
Như vậy có thể khẳng định, Chính phủ không có chính sách hỗ trợ cho những gia đình sinh con một bề là gái. Ngoài ra, tỉnh cũng chưa có đủ nguồn kinh phí thực hiện chủ trương động viên, khen thưởng các gia đình sinh 2 con một bề là gái, nuôi dạy con tốt nhằm khuyến khích các gia đình thực tốt việc kế hoạch hóa gia đình (dừng lại ở 2 con), không cố sinh thêm con trai, đảm bảo cân bằng giới tính khi sinh, duy trì mức sinh thay thế như một số tỉnh bạn. Dù vậy, mỗi người dân hãy nêu cao ý thức, trách nhiệm trong việc thực hiện tốt việc sinh đẻ có kế hoạch nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu duy trì mức sinh thay thế. Từ đó sẽ góp phần thực hiện tốt chủ trương, chính sách về công tác dân số, nhất là sinh đủ 2 con, chú trọng nuôi dạy con tốt, gia đình hạnh phúc, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội.