Đa dạng các hoạt động hỗ trợ nông dân
Đại diện lãnh đạo HND huyện Đại Từ kiểm tra, đánh giá mô hình trồng chè VietGAP tại xã Bản Ngoại. |
Phát triển đa dạng các mô hình kinh tế, tạo điều kiện cho người dân vay vốn, tổ chức và phối hợp tổ chức các lớp đào tạo nghề, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật... là những cách làm đã và đang được Hội Nông dân (HND) huyện Đại Từ tích cực triển khai hiệu quả. Qua đó, giúp nhiều hội viên phát huy các thế mạnh về trồng trọt, chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Hội Nông dân ND huyện Đại Từ hiện có trên 480 tổ chức Hội cơ sở với trên 29.700 hội viên. Những năm qua, các cấp HND trên địa bàn huyện đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp giúp các hội viên phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Mỳ, Chủ tịch HND huyện cho biết: Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế là một trong những hoạt động trọng tâm của Hội. Nhận thức được ý nghĩa quan trọng đó, thời gian qua, HND huyện đã chú trọng nâng cao chất lượng phong trào. Trước hết là thực hiện tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa những cây, con giống có giá trị cao và phù hợp với đặc thù của từng địa phương vào nuôi, trồng; cùng với đó là thay đổi phương thức sản xuất theo hướng đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật… Bước đầu đã góp phần hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung như: Mô hình trồng bưởi tại xã Tiên Hội; mô hình nhãn ở xã Quân Chu; mô hình trồng, chế biến chè ở xã La Bằng, Bản Ngoại, Phú Xuyên; mô hình nuôi chim bồ câu ở Bản Ngoại…
Mô hình trồng chè VietGAP của Chi hội nghề nghiệp xóm Đồng Ngõ, xã Bản Ngoại là một trong những mô hình đã và đang được HND huyện hỗ trợ và bước đầu đã cho kết quả. Ông Lương Văn Tình, Chi hội trưởng Chi hội nghề nghiệp xóm Đồng Ngõ cho biết: Thực hiện theo hướng dẫn của các cấp hội nông dân, chúng tôi đã thành lập chi hội nghề nghiệp trên cơ sở tập hợp các hội viên cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng trách nhiệm; cùng hưởng lợi. Hiện Chi hội nghề nghiệp xóm Đồng Ngõ có 30 hội viên là các hộ dân trong xóm. Đầu năm 2016, thông qua HND huyện chúng tôi được tiếp cận với nguồn vốn vay 1 tỷ đồng từ Trung ương Hội để đầu tư cho sản xuất. Từ đây, các hội viên có điều kiện để cải tạo những diện tích chè đã già cỗi, thay thế bằng các giống chè mới như LDP1, Keo Am tích, Long Vân… cho năng suất cao hơn khoảng 20% so với giống cũ, đạt 2,7 tấn chè tươi/ha. Bà con còn đầu tư thêm cả hệ thống tưới chè bằng van xoay để làm chè đông, cho giá trị cao gấp 2-3 lần chè thông thường. Chúng tôi bảo nhau tích cực nâng cao chất lượng sản phẩm, cùng với đó là chuyển dần sang làm chè an toàn và đến thời điểm này, đã có 7ha chè của Chi hội được canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP.
Trên cơ sở tư vấn, hỗ trợ của HND, nhiều bà con nông dân đã tự nguyện liên kết xây dựng các tổ hợp tác, HTX trồng trọt, chăn nuôi. Đến nay, các cấp hội của huyện đã trực tiếp và phối hợp với các cơ quan liên quan hỗ trợ nông dân xây dựng được 15 HTX, 14 tổ hợp tác và một số tổ liên kết, tổ hội nghề nghiệp tại các địa phương. Song song với việc phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả, xác định nguồn vốn là yếu tố quyết định trong hỗ trợ nông dân, HND huyện đã tích cực tổ chức các chương trình tư vấn, hướng dẫn người dân làm thủ tục vay vốn. HND đã thực hiện tín chấp vốn vay ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp - PTNT với tổng dư nợ đến thời điểm 31/10/2019 là trên 390 tỷ đồng, với trên 6.700 lượt nông dân vay vốn; Quỹ hỗ trợ nông dân huyện hỗ trợ gần 600 triệu đồng; Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh hỗ trợ 1,5 tỷ đồng; nguồn vốn Trung ương khoảng 2,4 tỷ đồng. Đến nay, các mô hình sản xuất có hỗ trợ vốn từ các cấp hội, tổ chức đều được đánh giá là phát triển tương đối hiệu quả. Phần lớn các mô hình được hỗ trợ đều là các mô hình liên kết theo nhóm hộ. Trong đó, nhóm ít nhất là 4 hộ, nhóm đông nhất là 20 hộ.
Không chỉ tạo điều kiện giúp hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay phát triển sản xuất, HND huyện còn thường xuyên quan tâm, nắm bắt tình hình sản xuất và đời sống hội viên; tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, chủ động phối hợp với ngành nông nghiệp, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên. Qua đó, giúp hội viên có thêm kinh nghiệm trong trồng trọt, chăn nuôi. Hội cũng tập trung tạo “cần câu” cho nông dân thông qua công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn huyện. Từ đầu năm đến nay, Hội đã phối hợp với Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh, Hội làm vườn tỉnh, Trường cao đẳng Thương mại và Du lịch tỉnh tổ chức 7 lớp dạy nghề với các nôi dung: Nuôi ong mật, công nghệ chế biến chè, rau an toàn, nấu ăn, nghiệp vụ nhà hàng khách sạn… cho trên 370 lượt người tham gia. Theo thống kê, có trên 180 học viên sau học nghề có việc làm ổn định.
Nhiều hội viên khi được hỗ trợ giống, vốn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đã phát huy sự năng động, sáng tạo, ý chí vươn lên làm giàu, góp phần cải thiện đời sống, thu nhập. Mô hình kinh tế của gia đình chị Nguyễn Thị Hưởng, ở xóm Đoàn Kết, xã Hoàng Nông là một ví dụ. Với hơn 1ha bưởi diễn và cam canh, trung bình mỗi vụ chị Hưởng thu về gần 30 tấn quả. Chia sẻ với chúng tôi về bí quyết trồng trọt, chị Hưởng phấn khởi cho biết: Bên cạnh việc lựa chọn cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương thì kỹ thuật trồng, chăm sóc là quan trọng nhất. Phần lớn những kinh nghiệm tôi có được là nhờ tích cực tham gia các lớp tập huấn do HND huyện và các cấp, ngành tổ chức tại địa phương. Từ kiến thức mới mẻ được trang bị về cách phòng trừ sâu bệnh hại, cách chăm sóc một số loại cây ăn quả, phương pháp trồng trọt đảm bảo an toàn…, tôi đã tự tin chuyển toàn bộ diện tích canh tác từ chè trung du và vải kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả có múi, đem lại nguồn thu ổn định cho gia đình, trung bình đạt trên 300 triệu đồng/vụ.
Chia sẻ về định hướng hoạt động trong thời gian tới, ông Trần Văn Mỳ, Chủ tịch HND huyện Đại Từ cho biết: Nhằm hỗ trợ tối đa cho nông dân, HND huyện sẽ chủ động phối hợp với chính quyền, các đơn vị liên quan tổ chức thêm nhiều hoạt động phát triển sản xuất, xây dựng mô hình kinh tế điểm, đặc biệt là tăng cường giúp đỡ các hộ nông dân ở các xã khó khăn. Đồng thời, vận động hội viên nông dân tham gia xây dựng các mô hình kinh tế tập thể như tổ hợp tác, HTX… Bên cạnh đó, Hội tiếp tục phối hợp với các ban, ngành tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, góp phần gia tăng thu nhập và tạo đời sống ổn định cho các hội viên, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương…