Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma tuý
Một cảnh trong tiểu phẩm về công tác phòng, chống ma túy tại Hội Nghị tuyên truyền phòng, chống ma túy tổ chức tại phường Lương Sơn (T.P Sông Công). |
Trước những diễn biến phức tạp về việc vận chuyển, buôn bán, tàng trữ và sử dụng ma túy trái phép trên địa bàn, thời gian qua, các cấp, ngành, đoàn thể trong tỉnh đã tập trung tuyên truyền bằng nhiều bình thức phong phú, đa dạng nhằm nâng cao nhận thức cho người dân trong việc phòng, chống ma túy.
Nằm trong tuyến trung chuyển, buôn bán trái phép ma tuý (Điện Biên - Sơn La - Hoà Bình - Hà Nội - Thái Nguyên - Cao Bằng) nên những năm qua, tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp. Hoạt động của các đối tượng buôn bán, vận chuyển và sử dụng trái phép các chất ma túy ngày càng tinh vi, xảo quyệt, nguy hiểm. Các đối tượng phạm tội cấu kết hình thành các đường dây liên tỉnh với các mối quan hệ gia đình, kinh tế ràng buộc chặt chẽ, tổ chức mua bán, vận chuyển ma túy (hêrôin) số lượng lớn vào địa bàn tỉnh và trung chuyển đi các tỉnh khác.
Theo đó, tình trạng mua bán, tàng trữ và sử dụng trái phép ma túy tổng hợp cũng đang có chiều hướng gia tăng, nhất là các đối tượng thanh thiếu niên, tụ tập tổ chức sử dụng trái phép các chất ma túy (ma túy tổng hợp, dạng đá) trong các nhà nghỉ, khách sạn, quán karaoke, rất khó kiểm soát và phát hiện bắt giữ, xử lý. Mặt khác, số người nghiện ma túy ở ngoài xã hội còn nhiều, lợi nhuận thu được từ mua bán ma túy rất cao nên dù bị phát hiện, xử lý nghiêm khắc nhưng tội phạm về ma túy vẫn phạm tội tiềm ẩn phức tạp. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 5.200 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Trong đó có hơn 3.700 người đang ở cộng đồng; 140 người đang ở các nhà tạm giữ, Trại tạm giam của tỉnh và huyện; 275 người đang cai nghiện tại các cơ sở điều trị nghiện ma tuý của tỉnh và huyện; số còn lại vắng mặt khỏi địa phương.
Do đó, nhằm nâng cao nhận thức toàn dân về công tác phòng, chống ma túy, việc tuyên truyền, giáo dục đã và đang được các cấp, ngành, đoàn thể trong tỉnh đặc biệt quan tâm. Đồng chí Nguyễn Hữu Quyết, Bí thư Đảng ủy thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) - một trong những địa bàn từng được coi là điểm nóng về ma túy nói: Rõ ràng, tuyên truyền, giáo dục đóng một vai trò rất quan trọng đối với công tác phòng, chống ma túy. Tuy nhiên, làm gì để công tác tuyên truyền, giáo dục đạt hiệu quả cao nhất mới là điều đáng quan tâm.
Xác định hiệu quả từ công tác tuyên truyền, giáo dục là một trong mục tiêu của công tác phòng, chống ma túy, những năm qua, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn, tìm hiểu nâng cao kiến thức pháp luật và kỹ năng tuyên truyền về phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy và pháp luật cho cán bộ chủ chốt cấp xã, phường, thị trấn, báo cáo viên, tuyên truyền viên của các cơ quan đơn vị tham gia. Năm 2017, toàn tỉnh đã tổ chức được 152 lớp tập huấn với trên 42.000 lượt người tham gia.
Theo đó, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể đã có những hình thức tuyên truyền, giáo dục khá phong phú nhằm nâng cao nhận thức cho toàn dân trong công tác phòng, chống ma túy. Đơn cử, Ủy ban MTTQ tỉnh đã phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức tuyên truyền điểm về công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn ma túy, mại dâm, HIV/AIDS... Năm 2017, MTTQ tỉnh đã phối hợp tuyên truyền điểm tại địa bàn thành phố Sông Công, thị xã Phổ Yên với trên 1.200 lượt người dân tham dự. Hay như Hội liên hiệp Phụ nữ các cấp, đến nay đang duy trì được trên 2.700 câu lạc bộ xây dựng gia đình năm không ba sạch và câu lạc bộ về phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội với 120.000 thành viên tham gia; 169 mô hình “Địa chỉ tin cậy” tại cơ sở nhằm tăng cường hoạt động tư vấn, hỗ trợ hội viên trong giải quyết các vấn đề có liên quan đến pháp luật… Còn với Hội Cựu chiến binh các cấp, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy, tệ nạn xã hội luôn được gắn với các buổi sinh hoạt ở các cấp hội; các phường, xã giáp danh và đồng bào vùng cao của tỉnh...
Về phía các ngành, cũng đã có nhiều hình thức tuyên truyền khá phong phú như in ấn, phát hành tờ rơi, tờ gấp về tác hại của ma túy; thực hiện các chuyên mục, các tin, bài phản ánh về công tác phòng, chống ma túy đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng... Đặc biệt, Sở Giáo dục và Đào tạo; Đại học Thái Nguyên đã tập trung chỉ đạo, thực hiện các biện pháp quản lý học sinh, sinh viên; tổ chức cho 100% các nhà trường triển khai ký cam kết nói không với ma tuý, phối hợp với lực lượng Công an cơ sở, phụ huynh học sinh trong quản lý học sinh, sinh viên....
Bà Nguyễn Thị Nhạn, ở tổ dân phố số 14, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) cho rằng: Tôi thấy các hình thức tuyên truyền, giáo dục về công tác phòng, chống ma túy của tỉnh đã mang lại hiệu quả thiết thực vì đã giúp người dân hiểu được tác hại của ma túy và chủ động tránh xa ma túy.
Không chỉ vậy, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, đa số người dân trong tỉnh đều tích cực tham gia làm trong sạch địa bàn, đề cao cảnh giác đối với các tội phạm ma túy. Nhiều gia đình có người thân nghiện ma túy còn giúp đỡ, vận động con em mình cai nghiện tại gia đình hoặc các cơ sở bắt buộc. Nhờ đó, năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức cai nghiện cho 1.572 lượt người... Đây là những kết quả rất đáng khích lệ và nền tảng vững chắc, góp phần vào việc thực hiện tốt Đề án tăng cườngphòng, chống và đẩy lùi tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017- 2020.