Đối xử nhân văn với 26.000 người nhiễm HIV/AIDS
Chăm sóc trẻ nhiễm HIV tại Trung tâm dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân (quận Thủ Đức, TP HCM). |
Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2014 đã được phát động có chủ đề: “Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS". Đây là sự hiện thực hóa mục tiêu “Ba không: Không còn người nhiễm mới HIV, không còn người tử vong do AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS” mà Liên Hợp Quốc đã lựa chọn cho các chiến dịch phòng, chống HIV/AIDS toàn cầu. Thực tiễn cho thấy, muốn thực hiện thành công mục tiêu này, cần thiết phải có một quyết tâm rất lớn trong việc xóa bỏ tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV.
Với việc phát hiện ca nhiễm HIV đầu tiên vào tháng 12/1990, tuy muộn hơn nhiều so với các nước trong khu vực nhưng Chính phủ Việt Nam đã sớm thể hiện quyết tâm rất mạnh mẽ trong việc ngăn chặn căn bệnh thế kỷ này thông qua việc ban hành nhiều chủ trương, chính sách; đồng thời tổ chức hệ thống phòng, chống HIV/AIDS đều khắp từ Trung ương tới địa phương. Bên cạnh đó, Chính phủ đã triển khai đồng loạt nhiều biện pháp, đầu tư kinh phí, nhân lực, huy động nguồn tài trợ quốc tế, kêu gọi sự chung tay của cả cộng đồng cho công tác đấu tranh phòng chống HIV. Nhờ vậy, chúng ta đã làm chậm lại quá trình lây lan của đại dịch, số ca nhiễm HIV phát hiện mới trong vòng 7 năm trở lại đây có xu hướng giảm dần.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là quốc gia đứng thứ 5 trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương có số người nhiễm HIV/AIDS ở mức cao, với khoảng 12.000-14.000 ca/năm.
Tính đến hết tháng 9 năm nay, cả nước có khoảng 260.000 người nhiễm HIV. Trong đó hơn 86.700 bệnh nhân đang được điều trị ARV. Số bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS là gần 69.620 người, trên 70.730 trường hợp đã tử vong. Điều đáng nói là HIV/AIDS đã có mặt ở khắp các địa bàn dân cư với 100% số tỉnh, 98% số quận/huyện và 78% số xã/phường có người mắc. Có những xã, thôn bản, tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS cao gấp trên 10 lần so với trung bình toàn quốc. Đặc biệt là ở các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi người dân hiểu biết hạn chế và dịch vụ, nguồn lực chưa đáp ứng được nhu cầu.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là sự kỳ thị và phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi với nhiều biểu hiện khác nhau, từ ngấm ngầm đến công khai, khiến những người có hành vi nguy cơ cao và những người nhiễm HIV không dám tiếp cận đến các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, trong đó có các dịch vụ dự phòng, can thiệp giảm hại, xét nghiệm và điều trị HIV. Kỳ thị, phân biệt đối xử cũng làm cho việc phát hiện người nhiễm HIV trong cộng đồng rất khó khăn.
Nhiều người biết mình nhiễm HIV, nhưng vì sợ kỳ thị, phân biệt đối xử mà không dám sử dụng dịch vụ điều trị ARV... Thực trạng này còn là rào cản lớn đối với việc thực hiện đầy đủ các quyền của người nhiễm HIV/AIDS, bao gồm quyền học hành, lao động... đã được pháp luật bảo hộ, đồng thời bỏ phí một nguồn lực lớn do không phát huy hết tiềm năng của người nhiễm HIV, bởi họ vẫn có một thời gian dài để cống hiến cho xã hội.
Việc chọn chủ đề của Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm nay là “Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS" cho thấy quyết tâm chính trị của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế trong nỗ lực ngăn chặn căn bệnh thế kỷ, bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho con người. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này không hề đơn giản, nhất là khi từ năm 2016, kinh phí phòng, chống HIV/AIDS sẽ giảm mạnh từ ngân sách trong nước cũng như viện trợ quốc tế. .. Trong khi đó, sự lây lan HIV/AIDS tại Việt Nam hiện vẫn chủ yếu tập trung trong các nhóm nguy cơ cao như tiêm chích ma túy và mãi dâm, quan hệ đồng tính nam và sự liên hệ qua lại giữa các nhóm này, gồm việc dùng chung dụng cụ tiêm chích và tình dục không an toàn.
Không kỳ thị, không phân biệt đối xử, giúp người có HIV, người nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng, sống giữa tình yêu thương, chia sẻ của gia đình, người thân và xã hội bằng cách tạo nhiều cơ hội cho họ được điều trị ARV, Methadol là một chủ trương rất nhân văn, nhằm ngăn chặn lây nhiễm HIV/AIDS. Mục tiêu cao cả ấy cần được quán triệt và triển khai một cách thực sự, trách nhiệm và hiệu quả. Muốn vậy, công tác tuyên truyền, thay đổi nhận thức cho mỗi người là yêu cầu hết sức bức thiết, cần sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và mỗi nhà, mỗi người, để hoàn thành mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam cơ bản ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS ra khỏi cộng đồng./.