Đưa chính sách dân tộc đến với đồng bào
Đồng chí Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và thành viên Đoàn công tác của tỉnh đã đến kiểm tra đường bê tông tại xóm Mỏ Ba được đầu tư xây dựng theo Đề án 2037 của tỉnh. |
Với 88% dân số là người dân tộc thiểu số, Tân Long là một trong những xã miền núi khó khăn của huyện Đồng Hỷ được tỉnh quan tâm đặc biệt và thụ hưởng nhiều chính sách dân tộc. Những chính sách này đã, đang từng bước góp phần cải thiện đời sống của người dân.
Cùng với nhiều xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khác của tỉnh, những năm qua, người dân xã Tân Long đã được hưởng nhiều chính sách dân tộc, Trong đó, nổi bật nhất là các chương trình, dự án như: Chương trình 135, Chương trình 102, Đề án 2037. Từ năm 2014 đến nay, Chương trình 135 đã hỗ trợ mua phân bón trả chậm cho 50 hộ với tổng kinh phí trên 172 triệu đồng; hỗ trợ trên 1,43 tỷ đồng cho hơn 500 hộ nghèo mua máy nông nghiệp phục vụ sản xuất; trên 4 tỷ đồng để xây dựng trường học, làm đường bê tông nông thôn. Với Đề án 2037, giai đoạn 2014-2018, Tân Long không chỉ được đầu tư làm đường bê tông tại 2 xóm đặc biệt khó khăn là Mỏ Ba, Lân Quan mà mỗi năm, bà con còn được hỗ trợ về cây, con giống cũng như tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật, xây dựng mô hình trồng trọt, chăn nuôi với tổng kinh phí trên 15 tỷ đồng. Từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh, với tinh thần trách nhiệm cao của các cấp, ngành, các hộ nghèo, cận nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi ở Tân Long đã có điều kiện vươn lên, từng bước xóa đói, giảm nghèo.
Xóm Mỏ Ba là một trong những xóm khó khăn nhất của Tân Long. Nhờ sự quan tâm của tỉnh, huyện, xóm đã được thụ hưởng rất nhiều chính sách. Gần đây nhất, xóm vừa được đầu tư xây dựng 1 công trình nước sinh hoạt tập trung với tổng kinh phí 3 tỷ đồng. Công trình vừa hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng. Với dự án này, trên 142 hộ dân ở xóm đã có nước sạch dẫn về tận nhà. Cũng theo Đề án 2037, năm 2018, Mỏ Ba tiếp tục được đầu tư làm 4,3km đường bê tông qua xóm với tổng kinh phí trên 8 tỷ đồng. Hiện nay, các công trình trên đều phát huy hiệu quả, người dân nơi đây được hưởng lợi rất lớn. anh Dương Văn Báo, dân tộc Dao, xóm Mỏ Ba phấn khởi cho biết: Nhờ Đề án 2037, năm 2017, gia đình tôi đã được hỗ trợ 200 cây bưởi da xanh và toàn bộ phân bón. Tôi còn được cán bộ khuyến nông, lâm tập huấn, hướng dẫn cách trồng, chăm sóc, phòng trừ bệnh. Hiện nay, cây phát triển tốt và đã bắt đầu ra hoa, kết trái. Từ năm tới cây sẽ bắt đầu cho thu hoạch. Không chỉ gia đình tôi mà rất nhiều hộ và cả xóm, xã được hưởng lợi từ các chính sách dân tộc.
Tuy nhiên, thực tế triển khai các chính sách đến với bà con vùng đồng bào dân tộc, miền núi, Tân Long còn gặp một số khó khăn nhất định. Về vấn đề này, ông Lăng Viết Thắng, Bí thư Đảng ủy xã Tân Long cho biết: Cái khó nhất của xã là vấn đề giảm nghèo cho bà con. Hiện, cả xã vẫn còn 535/1.476 hộ nghèo, trong đó nhiều hộ thiếu lao động, thiếu tư liệu sản xuất, trình độ nhận thức hạn chế. Một số xóm có địa hình cao, hiểm trở; một số chính sách chưa thực sự đem lại hiệu quả do sự manh mún, nhỏ lẻ... Vì vậy, xã rất mong các cấp, ngành nghiên cứu điều chỉnh một số chính sách để hỗ trợ bà con thiết thực hơn.
Có thể nói, các chính sách đã được triển khai đúng đối tượng, mục tiêu và phát huy được hiệu quả. Điều đó cho thấy sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, trách nhiệm của Ban Dân tộc tỉnh, chính quyền địa phương với các chương trình, chính sách dân tộc. Với những kết quả đã đạt được, hy vọng lãnh đạo xã Tân Long sẽ tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc, huy động mọi nguồn lực để tập trung đầu tư và ưu tiên cho các vùng khó khăn, nhằm giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số sớm thoát nghèo.