Giảm tham gia bảo hiểm xã hội từ tháng chấm dứt hợp đồng lao động
Ảnh minh họa: nhandan.vn. |
Doanh nghiệp nơi tôi làm việc có người lao động xin nghỉ không lương, sau thời gian này thì xin thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động. Trường hợp này, công ty làm hồ sơ báo giảm từ khi lao động nghỉ không lương hay từ khi chấm dứt hợp đồng lao động? Hà Hải Vân (Hà Nam)
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 98 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014; hướng dẫn tại Điều 23, Điểm 1.2 Khoản 1 Điều 32 Quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp và quản lý sổ Bảo hiểm xã hội, thẻ Bảo hiểm y tế ban hành kèm theo Văn bản hợp nhất số 2089/VBHN-BHXH ngày 26/6/2020 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam thì người sử dụng lao động phải thông báo với cơ quan Bảo hiểm xã hội khi có thay đổi thông tin tham gia bảo hiểm xã hội; đăng ký, điều chỉnh đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp cho người lao động theo quy định.
Vì vậy, công ty lập báo cáo tình hình sử dụng lao động và danh sách tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (theo mẫu D02-LT ban hành kèm theo Quyết định số 1040/QĐ-BHXH ngày 18/8/2020 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam) để báo dừng tham gia bảo hiểm xã hội kể từ tháng người lao động không làm việc, không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng và báo giảm lao động tham gia bảo hiểm xã hội kể từ tháng chấm dứt hợp đồng lao động.
Thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau
Vừa qua anh tôi bị ốm, phải nằm viện dài ngày (gần 2 tháng). Tuy nhiên, sau đó anh tôi chỉ được giải quyết hưởng chế độ ốm đau 40 ngày. Xin hỏi việc giải quyết chế độ cho anh tôi như vậy có đúng không?
Nguyễn Thị Vui (Bà Rịa - Vũng Tàu)
Trả lời:
Do bạn không cung cấp đầy đủ thông tin về quá trình đóng bảo hiểm xã hội của anh bạn, cho nên chúng tôi không có đủ căn cứ để trả lời cụ thể mà chỉ có thể cung cấp quy định của pháp luật liên quan giúp bạn nắm được về quyền lợi hưởng chế độ ốm đau của người thân.
Cụ thể, Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội quy định:
1. Thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d và h khoản 1 Điều 2 của Luật này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần và được quy định như sau:
a) Làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên;
b) Làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được hưởng 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.
2. Người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành thì được hưởng chế độ ốm đau như sau:
a) Tối đa 180 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần;
b) Hết thời hạn hưởng chế độ ốm đau quy định tại điểm a khoản này mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn nhưng thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.