Hành trình tháng Ba biên giới
Cán bộ Thành đoàn Thái Nguyên, Hội Cựu chiến binh T.P Thái Nguyên, lãnh đạo Đồn Biên phòng Ngọc Chung đến thăm, tặng quà bà Hoàng Thị Dinh (85 tuổi) xã Ngọc Chung, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng). |
Tháng Ba, chúng tôi có dịp cùng Đoàn công tác của Thành đoàn Thái Nguyên đến với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ngọc Chung (Trùng Khánh, Cao Bằng). Đồn quản lý khu vực biên giới gồm ba xã: Ngọc Chung, Lăng Yên, Phong Nặm với chiều dài đường biên giới 22,811km, gồm 27 cột mốc quốc giới. Những năm qua, cán bộ, chiến sĩ đơn vị luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ, an ninh trật tự vùng biên giới.
Lãnh đạo Đồn Biên phòng Ngọc Chung chia sẻ: Chúng tôi rất xúc động bởi sự quan tâm, chia sẻ của Thành đoàn Thái Nguyên với cán bộ, chiến sĩ của Đồn vào dịp kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Bộ đội biên phòng và 30 năm Ngày Biên phòng toàn dân. Để xứng đáng với niềm tin yêu đó, trong bất cứ hoàn cảnh nào, cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng cũng luôn nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, phát huy truyền thống quê hương cách mạng, bám dân, bám địa bàn, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới của Tổ quốc.
Thấu hiểu những khó khăn, vất vả của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi miền biên giới, nhiều năm qua, Thành đoàn Thái Nguyên đã tổ chức nhiều hoạt động nghĩa tình nơi biên viễn. Đồng chí Mai Hải Trung, Bí thư Thành đoàn cho biết: Thực hiện Cuộc vận động Nghĩa tình biên giới, hải đảo, Thành đoàn đã kết nghĩa với Đồn biên phòng Ngọc Chung (trước đây là Đồn biên phòng Lăng Yên) vào năm 2007. Từ năm 2012 đến nay, Thành đoàn liên tục tổ chức các chuyến lên thăm giao lưu văn hóa, văn nghệ và tặng quà cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng, phối hợp tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa tại hai đơn vị. Những hoạt động này đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ, thắt chặt tình đoàn kết gắn bó quân dân, góp phần giáo dục ý thức, tinh thần trách nhiệm và phát huy vai trò của tuổi trẻ T.P Thái Nguyên, tham gia bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Đợt này, Đoàn cũng đã tặng quà cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Ngọc Chung; tặng 20 suất quà cho các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn và gia đình chính sách….
Những chuyến đi như thế đã tô thắm thêm tình cảm tốt đẹp giữa những người lính biên phòng và tuổi trẻ Thành đoàn. Nhiều người đã theo đoàn lên biên giới vài lần, nhưng cũng có người mới lần đầu. Với mỗi chuyến đi, ai cũng có những kỷ niệm riêng và thêm yêu và tự hào về Tổ quốc mình. Bạn Trịnh Thị Hoa, Phó Bí thư Thành đoàn - người đã nhiều lần lên thăm đồn Biên phòng Ngọc Chung cho hay: Mỗi lần đến với cán bộ, chiến sĩ chúng em đều có những kỷ niệm mà chẳng bao giờ có thể quên được. Nhớ những đêm lửa trại, chúng em và các chiến sĩ cùng nhau giao lưu văn nghệ quanh đống lửa tới tận ba giờ sáng rồi xuống bếp cùng các chiến sĩ chuẩn bị bữa ăn sáng luôn. Nhớ những lần vào đúng đợt lạnh, cán bộ, chiến sĩ sợ chị em chưa quen với cái lạnh miền biên viễn đã chuyển cho chúng em ba, bốn cái chăn. Có lần sang tận mốc biên giới giáp với Trung Quốc, các chiến sĩ đã kể cho chúng em nghe về những buổi tuần tra dọc tuyến biên giới, về các địa danh nơi này. Khi đó, niềm tự hào về đất nước, ý thức bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc trào dâng, em nghĩ mình phải cố gắng hơn để nhân dân các xã vùng biên giới, với đơn vị kết nghĩa có nhiều hoạt động giao lưu nhằm thắt chặt hơn tình đoàn kết, gắn bó, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc….
Trong hành trình, Đoàn đã tới Khu di tích Quốc gia Đặc biệt Pác Bó (xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, Cao Bằng) - thăm nơi ở và hoạt động cách mạng của Bác Hồ giai đoạn 1941-1945; viếng mộ Kim Đồng tại Khu di tích lịch sử Kim Đồng tại xã Trường Hà, huyện Hà Quảng; thắp hương tri ân các Anh hùng liệt sĩ Nghĩa trang liệt sĩ huyện Hà Quảng.
Chúng tôi rất xúc động khi một thành viên trong đoàn là Nguyễn Thị Thu Thảo - cán bộ Thành đoàn có chú ruột (bên chồng) là liệt sĩ Lương Tất Nghị nằm ở nghĩa trang này. Thảo cho biết: Chú em hy sinh năm 1978 khi mới 21 tuổi. Hiện vợ chồng em đang ở với mẹ của chú Nghị và cũng là mẹ chồng em (năm nay bà 102 tuổi). Mặc dù gia đình biết chú ở Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Hà Quảng từ rất lâu rồi nhưng lần này em mới biết chính xác vị trí chú nằm. Sau chuyến đi này, gia đình em sẽ tổ chức chuyến lên thăm và viếng mộ chú…
Chuyến đi không dài, song chúng tôi cảm thấy tự hào hơn về truyền thống lịch sử của vùng đất cách mạng. Thầm cảm ơn đồng bào và cán bộ, chiến sĩ nơi biên cương Tổ quốc luôn ngày đêm canh giữ, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh Quốc gia.