Hậu quả đau lòng từ mất an toàn lao động
Anh Lê Công Lai, xóm Bến Chảy, xã Vạn Phái (TP. Phổ Yên) bị điện giật trở thành người khuyết tật. |
Mặc dù các cơ quan, đơn vị chức năng thường xuyên đưa ra cảnh báo về mất an toàn lao động (ATLĐ), nhưng tình trạng mất ATLĐ đặc biệt nghiêm trọng dẫn đến chết người vẫn xảy ra, gây thiệt hại lớn về người, tài sản và uy tín của doanh nghiệp.
Một sớm đầy mưa, chúng tôi tìm đến thăm gia đình ông Vũ Ngọc Lương, tổ 1, phường Mỏ Chè (T.P Sông Công). Một không khí ảm đạm bao chùm. Các thành viên trong gia đình ấm ức, mắt đỏ lọng, trực một lời hỏi thăm thì bật thành tiếng khóc.
Nén cảm xúc, ông Lương bắt đầu câu chuyện: Đúng là nhanh như điện. Vừa thấy nó ôm con bảo bố đi làm lấy tiền cho mẹ mua bim bim, chỉ ít giờ sau đó tôi đã nhận được tin nó bị điện giật chết trong nhà máy - Nó là con trai tôi.
Con trai ông Lương là anh Vũ Đức Thiện. Anh Thiện mới vào làm việc tại Công ty CP Đầu tư và Thương mại Hiệp Linh, (Khu công nghiệp Sông Công I) được 9 ngày thì bị điện giật chết. 2 đứa con của anh Thiện phải mồ côi cha khi còn chưa đến tuổi cắp sách đến trường.
Theo báo cáo của Sở Lao động - TB&XH: Trong 3 năm gần đây, trên toàn tỉnh để xảy ra gần 350 vụ TNLĐ, trong đó 37 vụ đặc biệt nghiêm trọng. Theo đó là gần 350 người bị tai nạn, với 38 người bị chết, gần 70 người bị thương nặng. Riêng trong năm 2021 trên toàn tỉnh xảy ra 102 vụ TNLĐ làm 104 người bị tai nạn. TNLĐ đặc biệt nghiêm trọng có 15 vụ làm 16 người chết, tăng 3 vụ và 4 người chết so với năm 2020. Khu vực không có quan hệ lao động để xảy ra 17 vụ, làm chết 8 người và 9 người bị thương nặng.
Ngoài thiệt hại về người, các các doanh nghiệp còn phải chịu thiệt hại về kinh tế khoảng 6 tỷ đồng, từ năm 2019 đến hết năm 2021. Chưa kể mất khoảng 10.000 ngày công lao động có liên quan các trường hợp là người SDLĐ và NLĐ.
Chuyện TNLĐ, anh Lê Công Lai, xóm Bến Chảy, xã Vạn Phái (T.X Phổ Yên), thở dài: Chí ít như anh Thiện còn được Công ty bồi thường, hỗ trợ. Còn như tôi bị điện giật trở thành người tàn phế, chẳng có cơ quan, đơn vị nào đứng ra chịu trách nhiệm…
Anh Lai làm nghề phu hồ, trong lúc xây bờ rào dưới đường điện, anh bị điện phóng phải cắt cụt cánh tay trái, hỏng chân bên phải. Không mất mạng, nhưng anh trở thành người tàn tật, mất vĩnh viễn 81% sức khỏe.
Còn bà Phan Thị Kho, tổ dân phố Nguyên Giả, phường Cải Đan, TP. Sông Công, nói: Con tôi là Nguyễn Chí Cao, công nhân Công ty TNHH Tuổi trẻ Thái Nguyên. Ngày 1-4-2021, cháu được Công ty giao nhiệm vụ tưới nước chống bụi và làm sạch tại sân xưởng sản xuất, khu vực phía trước Trạm trộn bê tông. Trong lúc làm việc, cháu bị một xe bồn của Công ty lùi vào cán chết tại chỗ. Chỉ thương 3 cháu nội (con của anh Cao) còn quá nhỏ…
Trên đây chỉ là một vài trong số hàng trăm trường hợp bị mất mạng, bị tàn phế do mất ATLĐ trong những năm gần đây. Họ bị chết, hoặc bị tàn phế khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Trưởng Phòng Chính sách lao động (Sở Lao động - TB&XH) cho biết: Các con số Ngành tổng hợp được chỉ là “phần nổi của tảng băng trôi”. Bởi thực tế có không ít doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa thành thực khai báo với cơ quan nhà nước về việc để xảy ra TNLĐ, nhất là TNLĐ dẫn đến chết người. Nhiều vụ TNLĐ đặc biệt nghiêm trọng được người SDLĐ và thân nhân nạn nhân tự thỏa thuận, bồi thường, coi đó là một sự cố cả 2 bên đều không mong muốn.
Dù biết hệ lụy khôn lường do mất ATLĐ, nhưng không ít chủ SDLĐ và NLĐ chủ quan, thiếu ý thức, coi thường chính mạng sống của mình. Trước bức thiết về mất ATLĐ, Nhà nước cần có một chế tài đủ mạnh để răn đe đối với các trường hợp coi thường công tác an toàn vệ sinh lao động; đồng thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động là được làm việc trong môi trường an toàn.