Hiệu quả từ việc khoán bảo vệ và chi trả dịch vụ môi trường rừng
Cán bộ kiểm lâm Ban Quản lý rừng phòng hộ và Bảo vệ môi trường hồ Núi Cốc cùng người dân dọn thực bì khu vực rừng được giao khoán. |
Sau khoảng 5 năm triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ hồ Núi Cốc đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần tăng tỷ lệ che phủ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, nguồn nước và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Trước đây, công tác quản lý bảo vệ rừng phòng hộ còn nhiều bất cập, hiện tượng xâm lấn đất lâm nghiệp và khai thác lâm sản trái phép diễn ra rất phức tạp, gây khó khăn cho công tác quản lý bảo vệ rừng, nhất là đối với khu vực rừng phòng hộ trọng yếu của tỉnh như rừng phòng hộ hồ Núi Cốc. Nguyên nhân chủ yếu là do chưa có cơ chế, chính sách để khuyến khích người dân địa phương tham gia vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Từ năm 2013, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng được thành lập để thực hiện chính sách chi trả DVMTR đã làm thay đổi nhận thức, hành động của người dân đối với công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng. Qua đó góp phần ngăn chặn tình trạng đốt, phá rừng; các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng giảm rõ rệt.
Ông Nguyễn Văn Quý, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ và Bảo vệ môi trường hồ Núi Cốc cho biết: Chúng tôi đang quản lý gần 1,2 nghìn ha rừng phòng hộ, khoán bảo vệ và chi trả DVMTR cho 205 hộ trên địa bàn 5 xã: Phúc Tân (T.X Phổ Yên); Phúc Trìu, Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên); Vạn Thọ, Tân Thái (Đại Từ) với tổng số tiền 435 triệu đồng/năm. Từ khi thực hiện giao khoán và chi trả DVMTR, ý thức của người dân trong việc bảo vệ và phát triển rừng được nâng lên rõ rệt. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, rừng phòng hộ hồ Núi Cốc không còn tình trạng lâm tặc chặt phá rừng và không xảy ra vụ cháy rừng nào.
Xã Phúc Tân (T.X Phổ Yên) có hơn 700ha rừng thuộc rừng phòng hộ hồ Núi Cốc (chiếm gần 60% diện tích rừng phòng hộ hồ Núi Cốc). Năm 2018, 90% diện tích rừng phòng hộ đã được giao khoán bảo vệ và được chi trả DVMTR với số tiền trên 231 triệu đồng. Từ khi thực hiện giao khoán và chi trả DVMTR, người dân có thêm nguồn thu nhập giúp ổn định cuộc sống, tiếp tục đầu tư vào trồng rừng. Xóm 10, xã Phúc Tân hiện có 38 hộ được khoán bảo vệ và chi trả DVMTR. Từ khi được giao khoán, cứ 5-7 ngày, người dân lại đi kiểm tra khu vực rừng nhận khoán, kịp thời phát hiện những đối tượng vi phạm để báo ngay cho chủ rừng. Hiện, mỗi hộ trong xóm được khoán bảo vệ từ 7-10ha rừng phòng hộ, được chi trả DVMTR từ 2-3 triệu đồng mỗi năm. Tuy số tiền chi trả chưa nhiều nhưng đối với các hộ dân còn khó khăn sẽ là nguồn vốn để tiếp tục đầu tư phát triển rừng. Anh Trần Quang Nguyên, xóm 10 cho biết: Thu nhập của gia đình tôi chủ yếu trông vào 5 sào chè và hơn 2 sào ruộng, mỗi năm chỉ thu nhập khoảng 20 triệu đồng, kinh tế còn khó khăn. Năm 2018, với 10ha rừng gia đình tôi nhận khoán bảo vệ được chi trả 3 triệu đồng. Nếu không có số tiền đó thì gia đình chúng tôi cũng khó có thể tiếp tục thuê người chăm sóc và phát triển rừng.
Ông Trần Hồng Thái, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phúc Tân cho biết: Trước đây, công tác bảo vệ rừng ở địa phương gặp nhiều khó khăn, nhưng từ khi thực hiện chính sách chi trả DVMTR, người dân ngày càng tham gia nhiều vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Từ năm 2015, thực hiện công tác khoán và chi trả DVMTR cho người dân, rừng phòng hộ hồ Núi Cốc thuộc địa bàn xã Phúc Tân không còn tình trạng lâm tặc chặt phá rừng, người dân tích cực hơn trong việc phòng chống cháy rừng, đặc biệt là vào mùa hanh khô.
Thực tế cho thấy, chính sách khoán bảo vệ và chi trả DVMTR đã đem lại hiệu quả tích cực trong công tác bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ hồ Núi Cốc. Góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân địa phương và tạo mối liên kết chặt chẽ giữa chủ rừng và người dân. Đây là hướng đi bền vững trong việc gìn giữ, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ.