HIV đâu phải là dấu chấm hết

Cập nhật: Thứ hai 18/09/2017 - 10:31

Chị không ngần ngại nói cho mọi người xung quanh biết việc mình bị lây nhiễm HIV. Chị bảo: Các bệnh ung thư, gút, tiểu đường, huyết áp… có thể bị biến chứng, đột quỵ tức thì. Còn căn bệnh của mình cứ như không, như thực, nên phải nói ra cho nhẹ lòng, vì giấu bệnh là có tội với chính mình và xã hội. Mình tích cực điều trị đúng phác đồ, sức khỏe bảo đảm, không để lây cho ai. Tôi dám công khai bệnh của mình, vì tôi hiểu: HIV đâu phải là dấu chấm hết. Chị Trần Thị Thực, phường Tân Lập (T.P Thái Nguyên) đã chia sẻ với tôi như vậy.

Chị không biết mình bị lây nhiễm HIV trong trường hợp nào, và từ bao giờ. Khoảng thời gian 20 năm về trước, chị bị sốt cao kéo dài, ho dai dẳng, sử dụng đến 2 liều kháng sinh vẫn ho, sốt. Chỉ trong thời gian hơn mười ngày, bà con họ mạc đến thăm, nhiều người bảo không còn nhận ra vì sút cân nhanh quá. Là cán bộ y tế, trực tiếp làm việc tại Khoa sản của một bệnh viện Thái Nguyên, hằng ngày tham gia đỡ đẻ, mổ đẻ và giúp sản phụ thay giặt, nên khi bị ốm kéo dài chị bắt đầu nghi hoặc bản thân mình bị lây nhiễm HIV. Chị kể: Khi lấy máu cho đồng nghiệp làm xét nghiệm, tôi rất lo lắng, cả đêm không ngủ. Sớm hôm sau, đồng nghiệp của tôi lại đến buồng bệnh, xin lấy máu làm lại xét nghiệm. Ngay chiều hôm đó, một đồng nghiệp cùng Khoa sản đến ngồi bên cạnh, chị hỏi thăm tôi rất nhiều. Nhưng khi chị bạn hỏi tôi: Chồng cậu có chích ma túy không? Có ra ngoài “bóc bánh trả tiền” không?... Tôi ngồi lặng người, bảo: Cảm ơn, cậu không phải làm công tác tư tưởng nữa.

Đồng nghiệp của tôi chảy nước mắt, bảo: Số phận mày vất vả quá… Rồi chị run run đưa trả tôi giấy kết quả xét nghiệm. Cả hai chúng tôi không ai nói thêm một lời, cúi mặt không dám nói, vì sợ bật thành tiếng khóc. Tôi luôn tin vào chồng mình, vì anh ấy làm công nhân ở Công ty Gang thép Thái Nguyên, anh ấy chỉ biết có gia đình, nên chắc chắn không bao giờ có chuyện đi theo gái làng chơi, hoặc đua đòi hút chích ma túy. Bản thân tôi cũng không không đổ lỗi cho “đặc thù” công việc. Mọi sự đã đến nước này, tôi chấp nhận, không oán, không kêu, không đổ lỗi vì ai như bao đàn bà khác thường làm. Tôi khuyên chồng đi làm xét nghiệm, chồng tôi cũng có HIV. Anh buồn lắm, nhưng đến tận đêm khuya của ngày nhận “án tử”, lúc hai con tôi đã ngủ say, anh kều tôi dậy, rủ ra đường giống như bao người đi bộ tập thể dục. Tôi tưởng anh ấy sẽ thú nhận một bí mật gì đó, hoặc đổ lên đầu tôi những cay đắng cuộc đời. Nhưng không, anh cầm tay tôi như ngày mới yêu, nói: Cuộc đời anh chỉ có em. Anh biết em cũng như thế, nên đừng nhọc lòng truy cứu, oán trách ông trời. Mà mình phải sống tốt hơn, ý nghĩa hơn, chí ít là để bố mẹ hai bên nội, ngoại không buồn; các con đang tuổi học không bị chúng bạn gièm pha.

Thời gian trôi mau, các con trai, gái của chị đều tốt nghiệp đại học, có công việc làm ổn định và đều đã lập gia đình. Bản thân chị cùng chồng đã bước qua tuổi lục tuần, lên thiên chức ông, bà nội, ngoại. Cuộc sống của vợ chồng chị trông cậy vào tiền trợ cấp hưu trí, không dư dả nhiều, nhưng viên mãn. Tôi nói vui: Trên dòng sông cuộc đời, giữa huyên náo, ồn ào, anh, chị được trời phú cho hạnh phúc hơn rất nhiều đôi uyên ương khác. Chị nói ngay: Không phải trời phú, mà đều ở mình vun đắp nên. Nhất là lúc bị phát hiện có HIV, giữa vợ, chồng càng cần sự cảm thông, chia sẻ. Chúng tôi đã làm được như vậy bằng cách yêu thương nhau hơn. Nhất là trong cuộc sống thường nhật “bát đĩa còn có khi xô”, huống hồ là vợ, chồng. Do giữa chúng tôi luôn có sự tôn trọng, tin tưởng ở nhau, khi bực bội không dùng các khẩu ngữ độc địa để chì chiết, nhục mạ nhau. Các cụ dạy “cơm sôi, nhỏ lửa”, mỗi người biết nhịn, nhường và biết sống cho người thân của mình.

Nghe mọi chuyện chị kể đều giản đơn, nhưng tôi biết trong cuộc sống của chị cũng lắm phen chết lặng. Kể từ một lời nói bóng gió của ai đó về căn bệnh HIV. Với chị thì chẳng sao, nhưng với các con của chị khi đang tuổi cắp sách tới trường. Dù các cháu không bị lây nhiễm HIV, nhưng các cháu phải “gánh tội” đàm tiếu của các bạn trêu chọc là con nhà HIV. Chị nhủ con phải học giỏi, chuyện đó bỏ ngoài tai.

Dù công việc bận rộn, chị vẫn tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền, phòng tránh căn bệnh HIV/AIDS trong cộng đồng. Nhưng chị nói tế nhị. Các con tôi đã lớn, tôi xin không nêu chính danh tên mình. Rồi… việc dựng vợ, gả chồng cho các con đến, lại thêm tình huống chị đã ngờ trước: Thông gia tương lai không đồng ý gả con vào nhà chị, vì lý do vợ, chồng chị bị HIV.

Chuyện đến tai, chị không tự ái. Chị nói với con: Con cứ nói rõ với người mình yêu về thực trạng bệnh tật của bố, mẹ, cứ nói hết, không giấu, vì đó đâu phải điều xấu. Hơn nữa, nếu các con thật sự yêu thương nhau thì sẽ không có mặc cảm. Mất nửa năm mọi việc mới ổn thỏa, hai bên gia đình cùng làm đám cưới cho các con. Dừng lờ giây láti, chị tiếp tục câu chuyện: Tôi biết, gia đình thông gia với chúng tôi cũng chịu thiệt nhiều lắm về tình cảm. Nhất là lúc con dâu, rồi con gái tôi sinh cháu, gia đình thông gia đều “xin phép” đưa các cháu về bên nhà để tiện chăm sóc. Biết ông, bà thông gia lo lỡ chẳng may tôi làm lây nhiễm bệnh sang các cháu, tôi cũng không tự ái. Vì tôi là bệnh nhân HIV. Tôi cũng biết cách chăm sóc như thế nào để các cháu không bị lây nhiễm bệnh từ tôi. Cuộc sống thường ngày, gia đình hai bên thông gia vẫn qua lại, trò chuyện thân thiện. Ngồi trà nước với nhau, nhìn các cháu nô đùa, khôn lớn như bao trẻ em trên đời, giữa các gia đình thông gia chúng tôi càng thêm gắn bó.

Từ nghĩ suy mạch lạc là xác định rõ bệnh tật nhưng không suy nghĩ tiêu cực, sống chan hòa, thoải mái như… chưa từng có HIV, nên nhiều người nhìn vào gia đình chị thấy thèm khát một hạnh phúc thật sự. Tôi cũng chia sẻ suy nghĩ của mình với chị: Trong cuộc đời, có nhiều lắm những con người, cả chồng lẫn vợ chỉ biết đến chữ tiền. Họ sẵn sàng chà đạp lên đạo đức xã hội, nhưng lại giao giảng về đạo lý làm người. Tham vọng quyền lực và tiền bạc đã làm họ mất nhân tính. Họ luôn bị người đời nguyền rủa. Và nữa, một hạnh phúc bình dị như gia đình chị, là mơ ước không bao giờ họ với tới.

Minh Tâm
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: