Hướng đến Mặt trời

Cập nhật: Thứ hai 11/07/2022 - 06:55
 Học viên lớp xoa bóp bấm huyệt trong giờ thực hành.
Học viên lớp xoa bóp bấm huyệt trong giờ thực hành.

Bị khuyết tật nhìn, nhưng nhiều người đã vượt lên chính mình, trở thành tấm gương sáng trong lao động sản xuất; tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Họ giống như một loài hoa đẹp, khát khao hướng đến Mặt trời để đón nhận nắng ấm.

Đưa chúng tôi đến thăm lớp học xoa bóp bấm huyệt (XBBH) do Hội Người mù tỉnh tổ chức, chị Nguyễn Thị Minh, Phó Chủ tịch Hội cho biết: Từ năm 2016 đến nay, đây là lớp đào tạo nghề thứ 10 do Hội tổ chức. Các học viên của lớp đều bị khuyết tật nhìn. Ví như chị Phạm Phương Linh bị mù bẩm sinh; anh Nguyễn Văn Hồng bị tai nạn lao động hỏng 1 mắt; anh Trần Văn Thức, năm 20 tuổi bị bong võng mạc, 2 mắt mờ dần rồi mù hẳn… Mỗi người một hoàn cảnh, song đều can đảm, vươn lên trong cuộc sống.

Bản thân chị Minh cũng bị hỏng 2 mắt do tai nạn lao động. Chị từng bị hụt hẫng tinh thần, rồi quyết liệt vươn lên, sống như bao người bình thường trong xã hội. Hiện, chị có 1 cơ sở XBBH tạo việc làm cho 4 lao động khiếm thị. Trong thời gian 10 năm gần đây, chị trực tiếp cùng Ban lãnh đạo Hội triển khai hiệu quả 20 dự án chăn nuôi cho 111 người khiếm thị vay vốn, với tổng số tiền gần 3,4 tỷ đồng; vận động “mạnh thường quân” ủng hộ được gần 50 triệu đồng để sửa nhà ở cho 56 người khiếm thị. Gần 7.000 lượt hội viên gặp khó khăn được hỗ trợ đột xuất với tổng số tiền gần 1,7 tỷ đồng.

Tất cả đều hướng đến mục đích chia sẻ, hỗ trợ cho người khiếm thị có cuộc sống ổn định. Ví như trường hợp của anh Đồng Hữu Nghị (Phú Bình). Năm 26 tuổi, anh bị mù 2 mắt do tai nạn giao thông. Cuộc sống trở nên lận đận, anh xoay sở với nhiều nghề như sửa xe, làm chổi, đan nát, làm tăm tre, đi hát dong. Nhưng sau khi tham gia lớp học XBBH, anh có nghề mới cho thu nhập ổn định, nhờ đó cuộc sống của gia đình đã vơi bớt khó khăn.

Nghề XBBH vừa giúp một ai đó trong dòng đời vơi đi mệt mỏi, đồng thời tạo nguồn thu nhập chính đáng cho người lao động. Có lẽ công việc này phù hợp với những người khuyết tật nhìn, nên nhiều người trong số họ sau quãng đời lang thang hát dong, đan lát, làm tăm tre, sống khép mình trong bóng tối đã tìm đến với nghề.

Chị Lê Thị Luật, Chủ tịch Hội Người mù TP. Phổ Yên chia sẻ: Sinh ra làm người không ai muốn “ăn không ngồi rồi”. Người khiếm thị cũng cần có công việc làm để tự nuôi sống mình. Đúc kết lại nghề XBBH là phù hợp. Tôi đã mở được 1 lớp dạy chữ kết hợp đào tạo nghề cho 10 hội viên. Sau đào tạo, các hội viên đều có việc làm đạt thu nhập từ 2,5 đến 4 triệu đồng/người/tháng.

So với nhiều người đồng cảnh thì chị Luật có phần may mắn hơn. Một bên mắt của chị còn thấy chút ánh sáng, mỗi khi đọc sách phải dùng đến kính lúp. Sau tốt nghiệp THPT, chị tích cực tham gia các hoạt động phong trào tại địa phương, được kết nạp vào Đảng và trở thành “thủ lĩnh” Hội Người mù thành phố.

Chị hăng hái tổ chức cho hội viên tham gia các phong trào thi đua yêu nước, như: Người mù làm theo lời Bác - Tàn nhưng không phế; Thắp sáng niềm tin xây dựng cuộc đời mới; tham dự các cuộc thi viết chữ braille ONKYO do Hiệp hội Người mù khu vực châu Á Thái Bình Dương tổ chức.

Trở lại với lớp học tại Văn phòng Hội, anh Trần Quốc Thái, giáo viên lớp XBBH, chia sẻ: Khó khăn nhất với người mù chúng tôi là phải cố gắng vượt lên sự tự ti, mặc cảm về bản thân, tìm cho mình một nghề mưu sinh phù hợp với sở trường, sở đoản để nuôi sống bản thân và gia đình. Mỗi chúng tôi đều đang tự vươn lên, gắng gượng đứng vững giữa cuộc đời, giống như một loại hoa bất tử luôn hướng về phương Mặt trời.

Phạm Ngọc Chuẩn
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: