Kết nối, liên thông dữ liệu Bảo hiểm thất nghiệp
Vào những ngày cao điểm, Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) đón tiếp gần 400 người lao động đến làm thủ tục xin hưởng trợ cấp thất nghiệp. |
Nhằm rút ngắn thời gian giải quyết hưởng các chế độ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); hạn chế tình trạng trục lợi Quỹ BHTN, từ nhiều năm nay, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh chủ động tiếp cận phần mềm quản lý dữ liệu; đầu tư, nâng cấp thiết bị công nghệ; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ kết nối liên thông dữ liệu với cơ quan Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh. Qua đó, bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người lao động.
Cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) là một trong những giải pháp đột phá quan trọng trong hoạt động nghiệp vụ của Trung tâm Dịch vụ việc làm trong những năm gần đây. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Trung tâm khuyến khích cán bộ, viên chức tự học tập nâng cao trình độ chuyên môn, làm chủ công nghệ và triển khai, ứng dụng hiệu quả trong thực hiện chính sách BHTN đối với người lao động thông qua triển khai liên thông dữ liệu BHTN với cơ quan BHXH.
Trước đó, từ cuối năm 2015, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo về việc tăng cường công tác phối hợp trong thực hiện chính sách BHTN, trong đó nêu rõ: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Trung tâm Dịch vụ việc làm phải tăng cường phối hợp với BHXH tỉnh trong chia sẻ cơ sở dữ liệu thu, chi và giải quyết hưởng các chế độ BHTN của người lao động.
Nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã từng bước triển khai ứng dụng CNTT theo kiến trúc Chính phủ điện tử. Để đạt hiệu quả cao nhất, Trung tâm nỗ lực trong công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng CNTT trong quản lý các hoạt động nghiệp vụ. Trong đó, coi trọng đầu tư về hạ tầng kỹ thuật, thiết bị công nghệ, nhân lực, xây dựng phần mềm nghiệp vụ có chức năng kết nối liên thông dữ liệu toàn diện; kết nối giữa Trung ương với địa phương; kết nối với các ngành liên quan và đơn vị sử dụng lao động.
Theo đó, toàn bộ văn bản đến - đi (trừ một số văn bản bắt buộc phải sử dụng dạng giấy theo quy định) đều được số hóa, sử dụng chữ ký số cá nhân; chữ ký số để phục vụ soạn thảo, trao đổi thông tin, xử lý công việc, trình ký, ký và phát hành điện tử trên hệ thống.
Trên cơ sở dữ liệu của người lao động, hệ thống sẽ cấp mã số BHTN, mã số định danh cá nhân duy nhất để quản lý người tham gia các loại hình bảo hiểm, trong đó có BHTN, được thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
Được biết, trong giao dịch điện tử dịch vụ công trực tuyến, năm 2022, trên địa bàn tỉnh có khoảng 100.000 hồ sơ của hơn 4.000 doanh nghiệp gửi đến hệ thống giao dịch điện tử. Bằng hình thức giao dịch này, thời gian giải quyết hồ sơ giữa Trung tâm Dịch vụ việc làm và BHXH được rút ngắn, nhưng vẫn bảo đảm chính xác. Với những tiện tích này, thay vì thực hiện kê khai hồ sơ bằng giấy, các đơn vị sử dụng lao động có thể ký số hồ sơ và gửi cơ quan chức năng thông qua Internet.
Nhờ sự kết nối chặt chẽ giữa Trung tâm Dịch vụ việc làm với cơ quan BHXH, mọi dữ liệu về các chính sách liên quan đến BHTN cho người lao động được liên thông. Các đơn vị tham gia kết nối chủ động cung cấp thông tin, tiếp nhận thông tin, tạo sự liên kết, liên thông đồng bộ, rõ ràng, mang lại ích lợi cho các bên liên quan. Với người lao động xin hưởng trợ cấp thất nghiệp, họ được giảm thiểu thủ tục hành chính và thời gian đi lại. Còn cơ quan chức năng Nhà nước có thể giảm bớt thời gian tổng hợp, lập các báo cáo theo quy định.