Khắc phục sạt lở đất: Người dân mòn mỏi chờ phương án
Do chưa khắc phục được hậu quả của trận sạt lở trước đó nên hiện nay, sau mỗi trận mưa, bùn, nước lại tràn vào Lò hơi của gia đình anh Trần Văn Thành. |
Mặc dù cơn bão số 3 đã đi qua hơn một tháng, song nhiều hộ dân vẫn chịu ảnh hưởng do chưa thể khắc phục được hậu quả. Người dân đã làm đơn đề nghị có biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả thiên tai, nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa có phương án giải quyết. Đó là câu chuyện đang diễn ra tại xã Phú Tiến (Định Hóa).
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn huyện Định Hóa, từ ngày 26-8 đến 29/8/2022, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trên địa bàn xảy tình trạng sạt lở đất, ngập úng, gây thiệt hại về tài sản. Cụ thể, 4 hộ bị tốc mái nhà; taluy dương phía sau nhà của 83 hộ dân bị sạt lở, với khoảng 6.230m3 đất, đá; trên 109ha lúa bị ngập úng; sạt lở 265m kênh mương; 65 điểm giao thông bị sạt lở; 8 cột điện bị đổ, gãy...
Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều hộ dân tại xã Phú Tiến bị đất taluy phía sau nhà sạt lở vào xưởng, bếp, công trình phụ, tài sản vẫn chưa khắc phục được.
Cụ thể, vào khoảng 20 giờ, ngày 28-8, xưởng sản xuất gỗ bóc của gia đình anh Trần Văn Thành, xóm Lương Tiến, bị bùn đất từ taluy cao hơn 10 m phía sau sạt lở vào nhà xưởng, làm sập 100m2 mái tôn, vùi lấp lò hơi để sấy ván (trị giá 300 triệu đồng). Hơn một tháng nay, ngày nào anh Thành cũng xót xa nhìn tài sản bị đất vùi lấp.
Anh Thành bày tỏ: Sau vụ sạt lở, tôi đã báo cáo cán bộ xóm và viết đơn xin khắc phục gửi đến chính quyền xã, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được thông báo nên vẫn phải chờ đợi. Để đất, đá lâu không chỉ khiến máy hỏng hết mà còn ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của gia đình. Do không có lò hơi để sấy nên xưởng của tôi chỉ chờ đến hôm trời nắng mới bóc được gỗ, khách hàng cũng bị ảnh hưởng theo do không sản xuất kịp.
Cột điện cao thế 35kv bị sạt lở đến chân phía sau nhà ông Lưu Văn Minh, xóm Lương Tiến, xã Phú Tiến.
Cũng như anh Thành, chuồng trại chăn nuôi lợn với quy mô 30 con/lứa của gia đình anh Phạm Huy Hoàng, xóm Lương Tiến, cũng bị đất vùi lấp 1/3 diện tích, trong đó có máy phát điện, giếng nước và nhà vệ sinh. Anh Hoàng chia sẻ: Do chăn nuôi lợn phải thường xuyên có điện và nước, vì vậy, ngay sau khi sạt lở xảy ra, gia đình đã làm đơn gửi xã xin tự khắc phục để nuôi lợn tiếp, nhưng đến nay vẫn chưa thấy có thông báo. Tôi rất mong muốn chính quyền sớm có phương án giải quyết cho gia đình.
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trên địa bàn xã Phú Tiến còn có 10 hộ và 5 doanh nghiệp bị đất taluy sạt lở vào nhà xưởng, bếp, công trình phụ... Đến nay, vẫn còn nhiều hộ chưa khắc phục được, có hộ taluy còn bị sạt lở đến chân cột điện cao thế 35kv, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Tuy nhiên, theo quy định của Luật Khoáng sản, trong trường hợp người dân khắc phục sạt lở có phát sinh đất dôi dư cần vận chuyển đi nơi khác phải được cấp có thẩm quyền cấp phép. Do đó, các hộ dân xã Phú Tiến chưa thể tự khắc phục mà phải chờ ý kiến của cơ quan chức năng.
Về vấn đề này, ông Ngô Tuấn Sơn, Chủ tịch UBND xã Phú Tiến, cho biết: Ngày 31-8, xã đã có văn bản báo cáo về tình hình thiệt hại thiên tai do cơn bão số 3 lên UBND huyện. Sau đó, chúng tôi đã cử cán bộ chuyên môn đến các phòng chức năng của huyện để hỏi thông tin về biện pháp khắc phục nhưng đến nay xã vẫn chưa nhận được văn bản hướng dẫn nào từ huyện. Chúng tôi vẫn phải chờ ý kiến từ huyện thì mới có thể để cho người dân khắc phục.
Theo ông Nguyễn Minh Tú, Chủ tịch UBND huyện Định Hóa: Vấn đề này thuộc thẩm quyền của xã, các xã cần có những biện pháp linh hoạt để người dân bị sạt lở đất vào nhà, tài sản và các công trình phụ khác tự khắc phục, phù hợp với thực tế. Trong quá trình khắc phục, cần có sự giám sát chặt chẽ của xóm, xã nhằm tránh những vi phạm về Luật khoáng sản.