Khi nhân dân tích cực giám sát, phản biện

Cập nhật: Thứ năm 01/09/2022 - 10:53
 Ban giám sát cộng đồng xóm Tân Bình 1, xã Vô Tranh (Phú Lương), luôn làm tốt công tác giám sát, đặc biệt là với những công trình do nhân dân đóng góp. Ảnh T.L
Ban giám sát cộng đồng xóm Tân Bình 1, xã Vô Tranh (Phú Lương), luôn làm tốt công tác giám sát, đặc biệt là với những công trình do nhân dân đóng góp. Ảnh T.L

Triển khai thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị, cơ quan MTTQ các cấp trong tỉnh đã chủ động quán triệt, triển khai các lớp tập huấn để trang bị kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho thành viên ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng nhằm thực hiến tốt vài trò giám sát, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Điều này đã góp phần phát huy hiệu quả vai trò chủ động, tính tích cực của nhân dân trong tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở…

Hiện nay, toàn tỉnh Thái Nguyên có 178 ban thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn, với 1.533 thành viên; 252 ban giám sát đầu tư của cộng đồng với 2.280 thành viên.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện của cấp ủy, phối hợp của chính quyền, hướng dẫn trực tiếp của ban thường trực ủy ban MTTQ các xã, phường, thị trấn trong tỉnh, các ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng đã phát huy vai trò, thực hiện tốt chức năng giám sát, góp phần quan trọng trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, bảo đảm dân chủ, công khai với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”.

Trong giai đoạn 2019 - 2022, ban thanh tra nhân dân các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đã tổ chức 1.571 cuộc giám sát, qua đó phát hiện và kiến nghị 128 vụ việc.

Nội dung giám sát tập trung vào các vấn đề, như: Giải quyết khiếu nại, tố cáo; kiến nghị, phản ánh tại cơ sở; việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở xã, phường, thị trấn; việc thực hiện các dự án đầu tư, công trình do nhân dân đóng góp xây dựng.

Qua hoạt động này, người dân trong tỉnh được bàn và quyết định trực tiếp nhiều vấn đề, nội dung, như: Đóng góp các loại quỹ, đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng trong phạm vi cấp xã, xóm, tổ dân phố; những nội dung nhân dân được bàn, biểu quyết để chính quyền quyết định.

Các ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng trên địa bàn tỉnh cơ bản hoạt động tích cực, bám sát sự lãnh đạo của cấp ủy, chỉ đạo, hướng dẫn của MTTQ cấp xã, nghị quyết của HĐND cấp xã và tình hình thực tế của địa phương để xây dựng chương trình, kế hoạch công tác; chủ trì, phối hợp tổ chức thực hiện được nhiều cuộc giám sát theo chức năng, nhiệm vụ; thực hiện giám sát thường xuyên các nội dung chính quyền phải công khai để nhân dân được biết; tổ chức giám sát chuyên đề việc thu, chi các khoản quỹ, đóng góp xây dựng các công trình công cộng...

Đặc biệt, hoạt động giám sát cộng đồng do cơ quan MTTQ các cấp trong tỉnh tổ chức và triển khai đã kịp thời phát hiện những sai phạm để kiến nghị với cấp có thẩm quyền xử lý, góp phần đảm bảo các chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương được thực hiện nghiêm túc.

Đồng chí Lưu Trọng Quý, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thị trấn Quân Chu (Đại Từ), cho biết:  Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ở địa phương gồm thành viên Mặt trận, cán bộ các tổ dân phố, những người dân có uy tín, kiến thức nên hoạt động giám sát chất lượng, các kiến nghị cơ bản được cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng, chủ đầu tư, nhà thầu đánh giá cao, giải quyết kịp thời.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, hoạt động của một số ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng trên địa bàn tỉnh còn có hạn chế vì các thành viên đều kiêm nhiệm, chưa am hiểu sâu về lĩnh vực xây dựng. Do vậy, các thành viên ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng trên địa bàn tỉnh đều đề nghị MTTQ cấp xã trong tỉnh tiếp tục tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức chuyên môn và chỉ đạo xây dựng kế hoạch giám sát hàng năm, bảo đảm nguyên tắc, phạm vi giám sát theo quy định, phù hợp với thực tiễn ở địa phương…

Từ năm 2019 đến tháng 6 năm 2022, các ban giám sát đầu tư của cộng đồng đã tổ chức giám sát các công trình xây dựng tại địa phương được 2.380 cuộc. Qua giám sát đã phát hiện và kiến nghị 215 vụ việc đến cơ quan có thẩm quyền và các chủ đầu tư, nhà thầu để kịp thời khắc phục việc thi công chưa đúng kỹ thuật, thiết kế, chưa phù hợp với điều kiện thực tế, chậm tiến độ...
Văn Hiến
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: