Không bao giờ có 'việc nhẹ lương cao': Cạm bẫy, bóc lột, giam giữ nơi đất khách quê người

Cập nhật: Thứ tư 24/08/2022 - 16:49
 Nhóm người bỏ chạy từ Casino Rich World, thuộc ấp Chrey Thum, xã Sampeou Poun, huyện Kaoh Thom, tỉnh Kandal (Vương quốc Campuchia) bơi qua sông Bình Ghi nhập cảnh trái phép về Việt Nam.
Nhóm người bỏ chạy từ Casino Rich World, thuộc ấp Chrey Thum, xã Sampeou Poun, huyện Kaoh Thom, tỉnh Kandal (Vương quốc Campuchia) bơi qua sông Bình Ghi nhập cảnh trái phép về Việt Nam.

Người dân cần thận trọng khi tiếp cận với các lời mời gọi "việc nhẹ lương cao" qua mạng xã hội. Khi người lao động không có trình độ lao động sản xuất thì sẽ rất dễ rơi vào các cạm bẫy, bị bóc lột, giam giữ, thậm chí phải bỏ mạng nơi đất khách quê người.

Liên quan đến 40 người trốn khỏi casino Campuchia bơi qua sông Bình Di, nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, đến nay, Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình tỉnh An Giang đã ra quyết định xử phạt hành chính 38 trường hợp về hành vi nhập cảnh trái phép, 2 trường hợp còn lại là trẻ em.

Hành vi cưỡng bức lao động

Ngày 23/8, sau khi Công an An Giang hoàn tất quá trình điều tra bước đầu, 40 người (thuộc 20 địa phương) lần lượt ký vào quyết định xử phạt hành chính, riêng hai thiếu niên chưa đủ tuổi bị xử lý. Do họ không có tiền nộp phạt, cơ quan chức năng cho nợ lại và được hỗ trợ lộ phí về quê.

Giám đốc Công an tỉnh An Giang Đinh Văn Nơi cho biết đây là vụ việc phức tạp, nên khi vừa tiếp nhận thông tin ban đầu, Ban Giám đốc Công an tỉnh An Giang đã chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT), Cơ quan An ninh điều tra, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh chủ công, phối hợp chặt chẽ cùng Công an các đơn vị, địa phương và các cơ quan chức năng có liên quan khẩn trương vào cuộc điều tra, làm rõ vụ việc.

Qua khai thác nhanh, những người trốn chạy khỏi casino ở Campuchia về Việt Nam khai nhận, trước đó do tin vào những lời chào mời hấp dẫn tuyển lao động làm việc tại Campuchia với mức lương từ 700-1.000 USD/tháng trên các nền tảng mạng xã hội nên họ đã vượt biên trái phép sang Campuchia.

Khi đến Campuchia, công việc hằng ngày của họ là làm game online và lên các trang mạng theo sự chỉ đạo của quản lý casino. Do làm việc quá thời gian quy định, không được nghỉ ngơi, không được trả lương, nên nhóm người này thống nhất bàn bạc tìm cách vượt biên giới về Việt Nam.

Nhóm những người này còn cho biết, họ bị ép thực hiện hành vi phạm tội công nghệ cao như lừa đảo qua mạng, tổ chức đánh bạc qua mạng… bị đánh đập, tra tấn và ép người nhà phải đưa tiền chuộc rất lớn. Đặc biệt còn có tình trạng người lao động Việt Nam bị bán từ casino này sang casino khác. Đây là dấu hiệu của tội phạm mua bán người.

Sau khi tích cực điều tra, đến nay, cơ quan Công an đã xác định được 4 đường dây có dấu hiệu hoạt động tội phạm mua bán người ở các tỉnh, thành phố có sự móc nối với số đối tượng ở Campuchia đưa lao động người Việt vào các casino lao động bất hợp pháp. Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh An Giang khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Thị Lệ (sinh năm 1980) và Lê Văn Danh (sinh năm 1988, cùng trú tại thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang) về hành vi tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép.

Sau khi sự việc xảy ra, giới chức Campuchia kiểm tra sòng bài - nơi 42 người Việt chạy trốn. Qua quá trình thẩm vấn, công dân Trung Quốc là quản lý casino thừa nhận hành vi cưỡng bức lao động.

Mở rộng điều tra, đấu tranh với tội phạm mua bán người

Công an tỉnh An Giang đã báo cáo Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) để phối hợp với Công an các tỉnh, thành phố có liên quan tiếp nhận tin báo, triển khai công tác điều tra, triệt phá đường dây mua bán người.

Thời gian gần đây, nhiều người Việt bị lừa sang Campuchia bán cho các tổ chức đánh bạc, bị bóc lột sức lao động, muốn về phải nộp 3.000-30.000 USD. 6 tháng đầu năm 2022, Công an Việt Nam đã phối hợp cùng nhà chức Campuchia giải cứu hơn 250 trường hợp bị lừa đi lao động trái phép.

Đại diện Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an thông tin, những người bị lừa sang làm việc ở nước ngoài, cụ thể là Campuchia đa phần đều đang ở độ tuổi rất trẻ, nghe theo những lời mời chào trên mạng rồi tự trốn nhà đi. Điều đáng nói là, khi các lao động của Việt Nam bị đưa sang Campuchia thì việc giải cứu, đưa nạn nhân về nước gặp rất nhiều khó khăn bởi hầu hết những người bị đưa đi đều theo dạng xuất cảnh trái phép.

Hiện nay, tình trạng xuất cảnh trái phép diễn ra ở các địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn như vùng Tây Nguyên, vùng biên giới Tây Nam và một số tỉnh, thành phố phía bắc. Khi bị đưa sang Campuchia, những người này bị cưỡng bức lao động trong điều kiện cực kỳ nặng nhọc, bị giam giữ và không được nhận lương như những lời mời gọi.

Chính vì vậy, người dân cần thận trọng khi tiếp cận với môi trường mạng xã hội. Khi người lao động không có trình độ lao động sản xuất thì sẽ rất dễ rơi vào các cạm bẫy, bị bóc lột, giam giữ, thậm chí phải bỏ mạng.  Sang nơi đất khách quê người không bao giờ có chuyện "việc nhẹ lương cao". Bên cạnh đó, khi đã bị sa vào tay tội phạm trong nước cấu kết với tội phạm quốc tế, các cơ quan chức năng rất khó truy tìm và giải cứu.


Theo baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: