Linh hoạt ứng phó với tình trạng dân số già
Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên luôn có nhiều hoạt động thiết thực trong chăm sóc, động viên các bệnh nhân cao tuổi. |
Dù đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng với số người trong độ tuổi lao động (từ 15 đến 60) chiếm khoảng 64% số dân - trên 817 nghìn người, nhưng thực tế Thái Nguyên đã bắt đầu bước vào thời kỳ dân số già hóa khi số người cao tuổi (trên 65 tuổi) chiếm tới 7,6%. Bởi vậy, hơn lức nào hết, chúng ta cần linh hoạt thích ứng với tình trạng già hóa dân số, để mỗi người cao tuổi thật sự trở thành cây cao, bóng cả, sống vui, khỏe, có ích.
Đã bước sang tuổi 72 nhưng ông Nguyễn Văn Lợi, phường Phan Đình Phùng (TP. Thái Nguyên), vẫn rất khỏe mạnh, giàu năng lượng. Dù đã nghỉ hưu hơn 10 năm nay nhưng hằng ngày ông vẫn lên lịch ăn uống, nghỉ ngơi và làm việc rất khoa học. Thường, ông thức dậy vào lúc 6 giờ để đi bộ (khoảng 30 phút) và ăn sáng vào lúc 7 giờ. Sau đó, ông đưa các cháu đến trường rồi quay về nhà chăm sóc mảnh vườn nhỏ của gia đình; trồng hoa, cây cảnh… Kết thúc bữa ăn trưa, ông dành hơn 1 giờ đồng hồ xem tivi, rồi nghỉ trưa. Buổi chiều, ông thường cùng bạn bè đạp xe để vừa rèn luyện sức khỏe, vừa hít thở bầu không khí trong lành.
Vợ chồng ông kết thúc bữa cơm chiều trước 19 giờ hàng ngày và đi ngủ vào 22 giờ 30… Ý thức được tuổi càng cao càng phải chăm lo cho sức khỏe nên vợ chồng ông bổ sung các loại thực phẩm chức năng tốt cho xương khớp, tim mạch… theo chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt, cứ 6 tháng 1 lần, vợ chồng ông lại đưa nhau đi kiểm tra sức khỏe định kỳ. Ông Lợi cho hay: Chăm lo cho sức khỏe của chính mình để chất lượng cuộc sống được nâng lên. Mình khỏe sẽ không làm phiền đến con cái và những người xung quanh, có thể chủ động cho cuộc sống của chính mình.
Ngoài chủ động chăm sóc sức khỏe cho bản thân, nhiều người cao tuổi cũng được con cái chăm lo hết mực. Chị Lê Thị Thành, phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên), nói: Bố tôi mắc bệnh hiểm nghèo và qua đời từ khi chúng tôi còn nhỏ. Vì vậy, chị em tôi rất lo cho mẹ. Giờ, bà đã ngoài 70 tuổi những vẫn muốn ở một mình. Vì thế, vào các ngày cuối tuần, chị em tôi thay phiên nhau về ăn cơm cùng mẹ. Để mẹ luôn khỏe mạnh, chúng tôi thường xuyên mua các loại thực phẩm chức năng cho mẹ sử dụng. Khoảng 3 hoặc 4 tháng/lần, chúng tôi lại đưa mẹ đến bệnh viện làm các xét nghiệm và khám tổng quát để phát hiện, điều trị sớm các bệnh lý thường gặp ở người già như tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch...
Thực tế ở Thái Nguyên, nhất là ở khu vực thành thị, nơi có trình độ dân trí cao, thu nhập của người dân ổn định thì việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi đã được quan tâm nhiều hơn. Ông Đỗ Trọng Vũ, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Sống thọ là ước mong lớn của con người. Bởi lẽ ấy, già hóa dân số là thành quả của sự phát triển kinh tế - xã hội, khẳng định tính ưu việt của chế độ, mà trực tiếp là công tác chăm sóc sức khỏe người dân, công tác DS-KHHGĐ của Thái Nguyên.
Người cao tuổi xã Bộc Nhiêu (Định Hóa) tập dưỡng sinh để rèn luyện sức khỏe.
Tuy nhiên, già hóa dân số cũng đang đặt ra cho Thái Nguyên những thách thức vô cùng lớn, nhất là với những người cao tuổi sống ở khu vực nông thôn, không có tích lũy, lương hoặc trợ cấp. Thực tế này đòi hỏi Việt Nam nói chung, Thái Nguyên nói riêng cần xây dựng chính sách chăm sóc người cao tuổi dựa trên cộng đồng và các nhân tố khác thay thế gia đình.
Hiện nay, một trong những giải pháp tối ưu để Thái Nguyên thích ứng với tình trạng già hóa dân số vẫn là đẩy mạnh các hoạt động truyền thông cũng như thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức người dân trong việc quan tâm chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.
Ông Đỗ Trọng Vũ nhấn mạnh: Nhận thức nâng lên đồng nghĩa với hành vi sẽ thay đổi. Theo đó, gia đình, cộng đồng sẽ có những động thái tích cực chăm sóc và mang lại cho người cao tuổi chất lượng sống tốt hơn.
Cùng với đó, việc thành lập các câu lạc bộ thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ… tạo sân chơi lành mạnh cho người cao tuổi cũng là một giải pháp giúp Thái Nguyên thích ứng được với tình trạng già hóa dân số.
Chúng tôi được biết, hiện nay, Thái Nguyên đã có gần 2.000 câu lạc bộ thể dục, thể thao, văn nghệ, thơ, dưỡng sinh, bóng chuyền hơi... cho người cao tuổi tham gia. Được chăm sóc cả về thể chất và tinh thần sẽ giúp người cao tuổi sống vui khỏe, hạnh phúc bên con cháu. Thậm chí nhiều người vẫn tham gia phát triển kinh tế mang lại nguồn thu nhập khá như ông Phạm Ngọc Hải, sinh năm 1957, phường Tân Thịnh (TP. Thái Nguyên), đã mạnh dạn đầu tư khoảng 3 tỷ đồng kinh doanh cây cảnh, mỗi năm thu lãi 250 triệu đồng; giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động; ông Triệu Xuân Áp, xóm La Đồng, xã La Hiên (Võ Nhai), đầu tư trồng na, nuôi ong lấy mật, mỗi năm thu nhập 200 triệu đồng…
Bên cạnh đó, Thái Nguyên cũng nên có những định hướng cụ thể đối với việc phát triển mạng lưới chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về số lượng và chất lượng theo cấp độ khác nhau.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có các cơ sở chuyên sâu chăm sóc cho người cao tuổi. Do vậy, đã đến lúc Thái Nguyên cần tính đến việc mở rộng việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại gia đình và cộng đồng thông qua mạng lưới tình nguyện viên, cộng tác viên và nhân viên chăm sóc được đào tạo. Đặc biệt là khuyến khích thành lập đơn nguyên Lão Khoa tại các bệnh viện tuyến tỉnh và trung tâm y tế cấp huyện; nâng cao năng lực cho nhân viên y tế lão khoa tại các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Đặc biệt là xây dựng mạng lưới chuyên ngành lão khoa theo nguyên tắc gắn kết dự phòng, nâng cao sức khỏe, điều trị, phục hồi chức năng và chăm sóc giảm nhẹ…