Lồng ghép dịch vụ điều trị lao và HIV
Cán bộ Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Vĩnh Phúc tư vấn điều trị ARV sớm cho người bệnh nhiễm HIV và tham gia bảo hiểm y tế. |
Hiện nay, tại Việt Nam, công tác điều trị người bệnh vừa nhiễm HIV vừa nhiễm lao đang gặp nhiều khó khăn. Người nhiễm lao và HIV cũng là đối tượng nguy cơ cao trong kháng đa thuốc và siêu kháng thuốc. Vì vậy, công tác phối hợp phòng, chống lao và HIV là một nội dung quan trọng của các Chiến lược phòng, chống lao và HIV ở nước ta, khi số người đồng nhiễm lao và HIV mới lên tới 5.500 người mỗi năm.
Theo PGS, TS Bùi Ðức Dương, Phó Cục trưởng Phòng, chống HIV/AIDS: Lao là bệnh nhiễm trùng cơ hội thường gặp nhất và là nguyên nhân gây tử vong cao nhất ở người nhiễm HIV. Người nhiễm HIV có nguy cơ mắc lao cao cấp hơn 19 lần so với người không nhiễm HIV và có nguy cơ mắc lao kháng thuốc cao. Năm 2015, trên thế giới có khoảng 390 nghìn người nhiễm HIV/AIDS chết do lao, chiếm 25% số trường hợp tử vong của người bệnh AIDS. Hiện tại, nhiều cơ sở y tế tuyến huyện đang vận hành việc cung cấp dịch vụ lao và HIV riêng biệt. Người bệnh lao đến khám và điều trị sẽ được giới thiệu đến cơ sở cung cấp dịch vụ HIV để được tư vấn xét nghiệm HIV, nếu dương tính với HIV thì được điều trị, chăm sóc ở cơ sở HIV và ngược lại, người bệnh nhiễm HIV/AIDS nghi mắc lao sẽ được giới thiệu sang cơ sở lao để được chẩn đoán, điều trị. Việc giới thiệu, chuyển gửi này đã gây ra nhiều khó khăn. Người bệnh phải đi lại nhiều, đồng thời, với tâm lý mặc cảm và mệt mỏi dễ dẫn đến tình trạng bỏ điều trị; điều đó sẽ làm bệnh nặng thêm và giảm hiệu quả điều trị. Với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 3957/QÐ-BYT ngày 23-9-2015 xây dựng Mô hình lồng ghép quản lý, cung cấp dịch vụ HIV và lao tại cơ sở y tế tuyến huyện, xã để khắc phục những yếu kém, bất cập nêu trên, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc người nhiễm HIV và lao, góp phần giảm chi phí trong quản lý và điều trị người bệnh. Mục đích của việc lồng ghép là làm giảm lây nhiễm vi khuẩn lao và HIV; giảm tỷ lệ số người bệnh mắc và chết do lao, do HIV và do các bệnh liên quan HIV; cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe của y tế cơ sở; tăng cường quản lý những trường hợp đồng nhiễm lao và HIV theo tiêu chí lấy người bệnh là trung tâm. Mô hình này đã được xây dựng thí điểm tại hai huyện: Nho Quan (Ninh Bình) và Hưng Hà (Thái Bình) từ năm 2013 đến 2015 và mở rộng xây dựng tại 12 tỉnh vào năm 2015 - 2016.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Cử, Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, sau hai năm thực hiện mô hình đã có nhiều kết quả khả quan. Việc phát hiện chủ động bệnh lao cho người nhiễm HIV được cải thiện rõ rệt. Nếu trước đây, người bệnh phải đi lại ít nhất ba lần thì sau khi lồng ghép, chỉ duy nhất một lần người bệnh đã được chẩn đoán. Thời gian chẩn đoán và điều trị lao giảm từ ít nhất một tuần xuống từ hai đến ba ngày. Tình trạng người bệnh bỏ điều trị không còn, và bác sĩ sẽ nắm được quá trình điều trị cả lao và thuốc ARV (thuốc kháng vi-rút). Ðối với người bệnh lao đến cơ sở lồng ghép đều được tư vấn và xét nghiệm HIV. Trường hợp dương tính với HIV thì tiếp tục được chăm sóc, điều trị HIV tại đó.
Kết quả sơ bộ tại 12 tỉnh đang triển khai cho thấy mô hình lồng ghép mang lại hiệu quả cao như: góp phần làm tăng tỷ lệ người bệnh lao được xét nghiệm HIV; tăng tỷ lệ người bệnh đồng nhiễm lao và HIV được điều trị cả hai bệnh; giảm tỷ lệ người bệnh bỏ điều trị. Ðáng chú ý, các mô hình phát hiện lao chủ động trong cộng đồng dân cư và ở một số đối tượng có nguy cơ cao mang lại hiệu quả. Ðặc biệt, ở cộng đồng dân cư, tỷ lệ phát hiện lao chủ động cao gấp 3,6 lần so với tỷ lệ phát hiện lao thụ động; phát hiện chủ động ở cộng đồng dân cư có thể góp phần làm giảm khoảng 20% tỷ lệ mắc lao hằng năm. Ở một số nhóm đối tượng có nguy cơ cao, tỷ lệ phát hiện chủ động cao gấp ít nhất 15 lần so với phát hiện thụ động. Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ cũng được tăng cường, nhất là trong chẩn đoán và điều trị sớm cho người bệnh. Những địa bàn triển khai mô hình cũng giảm được nhân lực, chi phí và cơ sở vật chất đầu tư cho triển khai các dịch vụ lao và HIV so với trước khi lồng ghép. Ðặc biệt, mô hình kết hợp này cũng tạo sự thuận lợi cho người bệnh tiếp cận cả hai loại dịch vụ tại cùng một địa điểm, giảm chi phí gián tiếp trong sử dụng dịch vụ lao/HIV.
PGS, TS Lê Văn Hợi, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Phó trưởng Ban điều hành Chương trình chống lao quốc gia cho biết: Ngoài những lợi ích nêu trên, đối với người bệnh, mô hình lồng ghép còn giúp giảm nhân sự, giảm chi phí vận hành cơ sở, một cán bộ y tế làm nhiều việc nhưng chất lượng dịch vụ điều trị lao và HIV không thay đổi, tăng chất lượng chẩn đoán, điều trị cho người bệnh đồng mắc lao và HIV kết nối bảo hiểm y tế. Việc mở rộng mô hình lồng ghép đã được chuẩn bị khá sẵn sàng với những văn bản pháp lý và hướng dẫn kỹ thuật đã được Bộ Y tế ban hành trong những năm gần đây. Dự án bao gồm Khung kế hoạch phối hợp lao và HIV giai đoạn 2016 - 2020, các thông tư về sử dụng bảo hiểm y tế trong khám, chữa bệnh lao và HIV. Mô hình lồng ghép theo khuyến cáo của WHO đã được thích ứng với thực tiễn ở nước ta. Quá trình đổi mới về cấu trúc hệ thống y tế chung và y tế dự phòng theo hướng tăng cường lồng ghép dịch vụ ở tuyến cơ sở cũng tạo thêm thuận lợi cho mở rộng mô hình. Theo đó, kết nối dịch vụ giữa tuyến huyện và tuyến xã, lồng ghép thực hiện với cơ sở vật chất và dịch vụ sẵn có góp phần tăng hiệu quả và tính bền vững của dịch vụ phối hợp. Thực tế cho thấy, phòng khám lồng ghép lao và HIV được đặt tại khoa khám bệnh là tốt nhất để hướng tới thanh toán dịch vụ xét nghiệm và thuốc điều trị thông qua bảo hiểm y tế. Tập huấn nâng cao năng lực, giám sát và hỗ trợ kỹ thuật kịp thời góp phần bảo đảm chất lượng dịch vụ.