Mái ấm vơi nguôi đời bất hạnh
Lao động liệu pháp giúp bệnh nhân khỏe mạnh thân thể, tinh thần và tạo thêm sản phẩm cải thiện bữa ăn hằng ngày. |
Họ từng là kỹ sư, bác sĩ, sinh viên ưu tú. Có rất nhiều lý do như: Thất tình, làm ăn thua lỗ, đường công danh không như ý, áp lực cuộc sống nặng nề khiến họ hụt hẫng, thất vọng, bất mãn, không kiểm soát được hành động của bản thân. Chính vì lẽ ấy mà Trung tâm Điều dưỡng và Phục hồi chức năng tâm thần kinh Thái Nguyên trở thành mái ấm cho những cảnh đời như họ vơi nguôi bất hạnh.
Giám đốc Trung tâm, anh Nguyễn Đức Hiếu, cho biết: Trung tâm đang chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị và phục hồi chức năng cho 245 bệnh nhân tâm thần. Đặc biệt vất vả là 35 trường hợp từ trên 60 tuổi bị tâm thần mãn tính kèm theo nhiều bệnh nền khác như: Đái tháo đường, huyết áp, tim mạch. Nhiều trường hợp đau ốm triền miên phải chăm sóc cấp độ 1.
Dù công việc bận rộn, song anh không ngần ngại đưa chúng tôi đi thực tế tại các khoa, phòng, khu ăn, ở, lao động, vui chơi giải trí, tập luyện thể thao dành cho bệnh nhân.
Ấn tượng chúng tôi cảm nhận được là ở đây giống một trung tâm điều dưỡng hơn là nơi dành cho những người bị bệnh tâm thần. Bởi ít năm trước tôi đã từng vào đây làm việc, nghe chuyện cán bộ Trung tâm bị bệnh nhân đánh phải cấp cứu. Rồi ở phòng điều trị, bệnh nhân ngủ mê man vì phải uống thuốc ngủ để không quậy phá.
Nhưng nay, thế giới trong Trung tâm đã thay đổi. Từ hơn 3 năm gần đây, anh Hiếu đã cùng các cộng sự của mình thay đổi gần như hoàn toàn các hoạt động chăm sóc, điều trị bệnh nhân. Chúng tôi bước vào Khoa Điều trị bệnh nhân nặng, trong phòng làm việc, chị Phạm Thị Luyến, điều dưỡng viên đang tỉ mỉ chia thuốc vào từng lọ nhỏ. Từng lọ đều ghi rõ họ tên bệnh nhân. Chị cho biết: Thuốc chia sẵn sẽ tránh được sự nhầm lẫn, giúp bệnh nhân cảm nhận được mình đang được quan tâm chăm sóc và tự giác uống thuốc…
Gần 20 năm làm việc tại Trung tâm, hằng ngày sống, làm việc với người tâm thần, nên chị là một trong những cán bộ giàu kinh nghiệm, có thể phán đoán được ý nghĩ, hành động bột phát của người bệnh.
Chị Luyến và các thế hệ cán bộ, viên chức, người lao động ở Trung tâm đã làm việc không quản thời gian, với mong muốn mang lại cho người bệnh cuộc sống bình thường.
Đặc biệt, Trung tâm đã có một cuộc lột xác gần như toàn diện, kể từ công tác tổ chức cán bộ, nhiệm vụ điều trị, chăm sóc, nuôi dưỡng bệnh nhân.
Anh Trần Hoàng Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm, tự hào nói: Trung tâm này là đơn vị bảo trợ xã hội đầu tiên ở các tỉnh miền Bắc thực hiện việc đấu thầu thuốc chữa bệnh, vật tư y tế và cung cấp lương thực, thực phẩm. Việc đấu thầu công khai đã mời gọi được nhà cung cấp uy tín, chất lượng. Trong nội bộ cũng tránh được các hiện tượng tiêu cực phát sinh. Về công tác điều trị, chế độ dinh dưỡng cũng được Trung tâm thực hiện theo phác đồ phù hợp với thể trạng từng trường hợp. Từ đó bệnh nhân khỏe mạnh, tinh thần thoải mái, tích cực tham gia các hoạt động do Trung tâm tổ chức.
Hiện Trung tâm có 8 phòng, khoa, với tổng số 70 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Người gắn bó lâu năm nhất là anh Trần Đình Tân, Khoa Phục hồi chức năng nữ. 57 tuổi đời, gần 30 tuổi nghề, cuộc đời anh gắn bó với những người điên như một duyên phận.
Anh Tân chia sẻ: Ngày mới vào nhận công tác, ngại lắm, rồi cũng quen, dần dà tôi với các bệnh nhân trò chuyện thân thiện, thoải mái hơn. Có đêm trực tôi thức trắng để nghe một bệnh nhân mắc chứng hoang tưởng nói huyên thuyên một câu chuyện nào đó, chẳng liên quan đến ai. Mình kiên trì ngồi nghe để người bệnh giải tỏa bức xúc.
Cử chỉ thân thiện, gần gũi của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ở Trung tâm đã làm thức dậy những “tâm hồn gẫy cánh”. Cho dù cái khắc giây tỉnh táo, mơ màng ngắn ngủi, song đủ giúp người bệnh nhận được ra mình là ai.
Bệnh nhân Nguyễn Thị T. nói phấn khích: Tôi thích xem phim chưởng, lúc nào cũng nghĩ mình là Cô Cô, múa kiếm vun vút khiến ai nấy phát kinh. Rồi một lần tôi bốc đồng, dùng dao phay chém xả vai một người đi đường.
Còn bệnh nhân Trần Văn T. kể: Sau khi vào Trung tâm điều trị, bệnh tình thuyên giảm, nghe người nhà kể lại: Tôi đã cầm búa đinh đập phá kính xe ô tô trên dọc đường phố. Tôi đã đánh người đi đường không tiếc tay.
Có mặt ở gần đó, bệnh nhân Ma Đức T. nói đúng một câu: Tôi đã xuống tay chém chết mẹ mình. Nói xong, anh ngồi im lặng, đôi mắt lim dim giống một thiền nhân.
Vào Trung tâm, đồng nghĩa là một thân phận con người không may mắn phải gắn bó đến lúc tàn hơi. Nhiều người trong số họ không người thân thích. Họ không biết đi đâu, về đâu, nếu may mắn “ông giời thương” cho tỉnh táo làm một người bình thường. Nghiệt ngã cuộc đời là thế, nhiều bệnh nhân nhận thức được điều đó nên không muốn trở về nơi chốn mình đã ra đi. Họ cứ như đứa trẻ, hồn nhiên bảo với tôi: Ở Trung tâm được cán bộ cho ăn no, uống thuốc đúng giờ và có bạn bè để chia sẻ chuyện đời, chuyện mình.
Tận lúc nghe câu nói ấy của một bệnh nhân, tôi mới giải được giải đáp: Vì sao bệnh nhận giảm số lần lên cơn, thậm chí có bệnh nhân không còn lên cơn. Bệnh nhân ăn, ở sạch sẽ, cơ thể không hôi hám, ai nấy đều khỏe mạnh… Bí quyết không hẳn là nhờ sử dụng thuốc chữa bệnh đúng giờ, được ăn no, được tham gia lao động liệu pháp, thể thao, văn nghệ mà từ tình người của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Trung tâm dành cho bệnh nhân.
Biết tôn trọng, tạo cơ hội cho bệnh nhân chia sẻ, chịu lắng nghe bệnh nhân nói, mọi hành động được xuất phát từ những con người mang trái tim yêu thương đã xoa dịu đi nỗi đau tinh thần của người bệnh. Giúp người bệnh nhận ra một chân lý giản đơn: Dù rơi vào bất cứ hoàn cảnh nào, thì cuộc đời này vẫn thật đáng sống.