Một chuyến ngược ngàn

Cập nhật: Thứ sáu 13/09/2019 - 10:05
 Báo Thái Nguyên được phát hành đến xóm có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Trong ảnh: Bà con xóm Phú Thọ, xã Phú Đô (Phú Lương) đọc báo Thái Nguyên Hằng tháng.
Báo Thái Nguyên được phát hành đến xóm có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Trong ảnh: Bà con xóm Phú Thọ, xã Phú Đô (Phú Lương) đọc báo Thái Nguyên Hằng tháng.

Đi thực tế là công việc thường ngày của mỗi phóng viên như tôi. Nhưng chuyến đi lấy tư liệu viết bài ở một xã vùng sâu, xa lần này để lại trong tôi nhiều ấn tượng đẹp.

6 giờ sáng, tôi rời nhà, dông xe máy một mạch từ T.P Thái Nguyên đến xóm Phú Thọ, xã Phú Đô (Phú Lương). Vì không thạo đường nên phải đi lòng vòng qua nhiều đoạn đường đất luồn dưới tán rừng, khe suối mới đến nơi. Nhìn đồng hồ mất 90 phút, thời gian bằng một trận thi đấu bóng đá. Ông Lầu Văn Vừ, Bí thư Chi bộ, đồng thời là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số nói vui: Đồng chí phóng viên đến sớm hơn 1 phút. Tôi bảo: Bác còn đến sớm hơn tôi nhiều phút… Tất cả cười xòa vì cùng đến sớm hơn so với thời gian hò hẹn. Biết tôi phân vân vì mãi chưa thấy bà con trong xóm đến để trò chuyện và chụp ảnh tuyên truyền, ông Vừ phân trần: Hôm nay là Chủ Nhật, một số bà con người Mông bận đi làm lễ (Đạo Tin lành), vì thế sẽ đến muộn. Nhưng vì có hẹn với anh, nên tôi đến đúng giờ, trao đổi trước các thông tin chung của xóm để anh nắm bắt được. 

Câu chuyện mộc mạc của ông Vừ khiến tôi giật mình, tự nhủ: May mình đã đi sớm, đến đúng giờ, không lỡ hẹn với đồng bào và với riêng ông Vừ. Cũng tận khi ấy tôi nhận ra: Đồng bào các dân tộc thiểu số rất coi trọng chữ tín. Chữ tín giản đơn là một lời hẹn. Và ở nơi lũng núi này, nhiều cán bộ, Đảng, Nhà nước đã thực hiện lời hứa với đồng bào thông qua việc hỗ trợ vốn sản xuất; làm đường bê tông và xây dựng các công trình phúc lợi xã hội. Đồng bào nhìn thấy lợi ích thiết thực mới tin cán bộ Đảng không hứa suông… Chợt nghe thấy tiếng ríu ran trò chuyện, tôi vội nhìn ra, thấy từng nhóm người Mông đang tiến đến Nhà văn hóa. Tôi nói vui: Tất cả đồng bào Mông ở xóm đều đúng hẹn. Vậy là chúng tôi cùng ra hiện trường để thực tế và chụp ảnh. Dưới nắng hè chói gắt, ai nấy mồ hôi nhễ nhãi, nhưng phấn chấn, gần gũi vì công việc hiệu quả. 

Lúc mặt trời gần đứng bóng, tôi chia tay ông Vừ và bà con người Mông để tiếp tục với chuyến đi thực tế viết bài về đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Yên Ninh. Sau nửa giờ từ xã Phú Đô ra đến Quộc lộ 3, tôi tiếp tục đi xe máy trên mặt đường vắng, chỉ có hơi nắng nóng của trưa hè thiêu đốt xuống mặt đường. Nhưng tôi vẫn đi vì một lời hẹn với bà con người dân tộc Dao xóm Suối Bốc và người Dao xóm Khe Khoang. Lúc 13 giờ, nắng nóng làm chảy nhựa mặt đường, nhưng ông Hứa Đức Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Ninh đã đợi tôi ngoài cổng UBND xã. Ông Thành bảo: Mưa, nắng thế nào chăng nữa cũng phải đến với đồng bào đúng hẹn. Lại đi, hơi nắng táp vào da thịt ram ráp, vậy mà đến điểm hẹn tại gia đình bà Triệu Thị Hoa, xóm Suối Bốc, bà con đã tập trung đông đủ để cùng tôi lên rừng, xuống suối, đội nắng bên nương chè để nói chuyện về sự đổi mới của người bản Dao. Bà Triệu Thị Thu, người dân xóm Suối Bốc cho biết: Bà con bản Dao tin cán bộ, vì cán bộ luôn đúng hẹn với đồng bào mình. 

Vẫn là giữ đúng lời hẹn, chúng tôi tiếp tục đến xóm người Dao Khe Khoang. Để đến được xóm này, chúng tôi phải ngược Quốc lộ 3, qua cầu Chợ Mới sang địa phận tỉnh Bắc Kạn và tiếp tục qua đường lên xã để đến với đồng bào. Đã 15 giờ, nắng xiên chếch, nóng kinh khủng, mồ hôi không kịp ướt lưng áo, môi muốn cháy vì nóng khan, gan ruột như muốn trào ngược. Tôi biết mình có hiện tượng bị say nắng, nhưng không thể dừng cuộc hẹn, vì đồng bào người Dao Khe Khoang đang đợi tôi. Gần nửa giờ lên dốc, đổ đèo, chúng tôi đã có mặt ở Nhà văn hoá xóm Khe Khoang. Bà con đến khá đông, có nhiều người đàn ông để mình trần, nhiều trẻ nhỏ đi chân đất, nhưng rực rỡ nhất là cánh đàn ông, đàn bà mang trang phục Dao truyền thống. Họ đẹp rực rỡ như những bông hoa của đại ngàn. Họ kể cho chúng tôi nghe về chuyện xóa đói, giảm nghèo; chuyện làm nông thôn mới; về nét đẹp phong tục, tập quán truyền thống của người Dao. Ông Đặng Văn Chu, Trưởng xóm tâm đắc: Cán bộ Nhà nước về cho người Dao xóm Khe Khoang cái đường bê tông; cho tiền làm Nhà văn hoá; cho khoa học kỹ thuật làm chè thoát nghèo. Người Dao xóm mình nhờ được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước mà no ấm. Hôm nay, cán bộ về, cho dân xóm mình xin kiểu ảnh làm kỷ niệm. Và ông rót nước mời tôi. Cũng như cách mời của bà con người Mông xóm Phú Thọ: Dân mình nhiều chè lắm, nhưng mời cán bộ uống nước lọc được để trong tủ lạnh cho mát.

Phạm Ngọc Chuẩn
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: