Một gia đình người có công tiêu biểu
Bà Ôn Thị Vòng (thứ 2 từ trái sang) luôn sống thân thiện với bà con trong tổ dân phố. |
Bà Đào Hạnh Nguyên, Trưởng Phòng Lao động - TBXH T.P Thái Nguyên chia sẻ: Thành phố luôn quan tâm triển khai thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc gia đình chính sách. Nhiều gia đình người có công đã luôn nỗ lực vượt khó, vươn lên trong cuộc sống, trở thành tấm gương tiêu biểu trước các phong trào của địa phương. Gia đình bà Ôn Thị Vòng là một trường hợp như vậy.
Bấy giờ là chị Vòng, 19 tuổi, về làm dâu dòng họ Lưu ở Quan Triều. Sau hơn 3 năm về làm vợ, chị Vòng lần lượt sinh hạ cho chồng 2 người con trai, lớn đặt tên Lưu Văn Hợp, nhỏ tên Lưu Văn Tí. Năm 1969, anh Lưu Quang Thiện, chồng chị nhập ngũ. Chị hay tin chồng cùng đồng đội hành quân vào mặt trận phía Nam. Một thân nuôi con nhỏ, ngày đêm vò võ chờ tin chồng, cực nhọc trăm bề, đều dồn lên đôi vài gầy của người vợ có chồng là bộ độ kháng chiến.
Rồi vào một ngày không mong đợi đã đến, chị chết lặng khi cầm trong tay Giấy báo tử ghi tên chồng.
Đau đớn cũng nguôi dần, chị dốc sức làm lụng, thu vén, chăm nuôi các con để anh linh chồng không tủi. Chị trở thành tấm gương điển hình tiên tiến trong phong trào sản xuất của hợp tác xã. Đồng thời là người mẹ mẫu mực trong việc nuôi dạy con ở địa phương… Bà kể: Hồi trẻ, sức có, tôi làm lụng không quản thời gian, cốt lấy nhiều công điểm, quy ra thóc nuôi con. Thấy mẹ làm việc cực nhọc, các con có ý định bỏ học để ở nhà đi làm lấy thêm công điểm. Tôi không đồng ý, bảo: Các con biết thương mẹ thì gắng học. Nhiều hôm cả Hợp và Tí nhịn đói đến lớp.
Cậu bé Hợp bây giờ đã 56 tuổi, còn Tí 53 tuổi, có cháu gọi bằng ông nội. Anh Hợp kể: Là con liệt sĩ, tôi được hưởng nhiều các chính sách ưu tiên của Nhà nước, như học văn hóa, học nghề và được bỗ trí công việc làm. Có lúc chính quyền địa phương ưu tiên cho tham gia xuất khẩu lao động… song thương mẹ, tôi ở nhà cày cấy trên 7 sào ruộng do hợp tác xã chia cho. Không giàu, nhưng đủ no, và có sức đào đất, đóng gạch xây được nhà ở chắc chắn.
Bà Vòng tự hào: Ở địa phương, cữ tuổi của Hợp và Tí bị nghiện ma túy nhiều lắm. Nhưng các con tôi biết nghe lời mẹ dạy, chăm ngoan, không đua đòi nên không bị bạn xấu lôi kéo vào tệ nạn ma túy. Anh nào cũng chăm chỉ làm lụng, ngoài làm ruộng lấy thóc ăn còn tham gia làm dịch vụ phục vụ các đám hiếu hỷ. Từ năm 2020, các cháu mở xưởng làm bánh bao, với công suất 1.000 chiếc/ngày để cung cấp cho người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh. Kinh tế gia đình chưa dư dật nhiều nhưng tôi luôn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn.
Có mặt ở đó, ông Lê Hùng, Tổ trưởng tổ dân phố cho biết: Bà Vòng năm nay 75 tuổi. Bà có 2 con trai, 4 cháu nội và đã có 2 cháu gọi bà bằng cụ. Gia đình bà có 4 thệ hệ cùng chung sống đoàn viên.
Còn bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Trưởng Ban công tác Mặt trận tổ nói: Từ nhiều năm nay, năm nào gia đình bà Vòng cũng đạt tiêu chí gia đình văn hóa tiêu biểu.
Tuy tuổi cao, thân mang nhiều thứ bệnh như: Tim, khớp, đau dạ dày, thiếu máu não… nhưng bà không ca thán, phàn nàn. Bà bảo: Tuổi già, ai chẳng có bệnh, lắm khi mệt mỏi song không để con, cháu biết. Tôi không muốn vì mình mà ảnh hưởng đến công việc của các cháu. Hằng ngày, tôi thức dậy từ sớm, cùng con dâu nấu ăn sáng, sau đó làm một số công việc nhẹ nhàng để “người ngợm” không buồn bực.
Vừa nói chuyện, bà vừa tranh thủ bóc vỏ trứng chim cút đã luộc. Cả một rổ trứng to. Ngày nào cũng thế, trứng bóc bỏ vỏ để các cháu bà làm nhân bánh bao… Tôi biết, đó là một thói quen của những phụ nữ lam lũ, vừa làm mẹ, vừa làm bố. Những phụ nữ đảm đang của một thời - một thân nuôi, dạy con để chồng yên tâm đi đánh giặc.
Là vợ liệt sĩ, bà được chính quyền địa phương quan tâm, tạo nhiều điều kiện thuận lợi trong cuộc sống. Nhưng không vì thế mà bà ỷ lại, trông chờ, luôn tự thân vươn lên để không bị tụt lại phía sau. Bà dạy các con, cháu mình bằng những giản dị: Ở hoàn cảnh nào cũng phải biết tự lực, tuyệt đối không vi phạm pháp luật, sống chan hòa với bà con chòm xóm và chấp hành đầy đủ các quy ước, hương ước của địa phương.