Một thời sổ hộ khẩu
Bà Đàm Thị Hằng (ở tổ 8, phường Hoàng Văn Thụ, TP. Thái Nguyên) và cuốn sổ hộ khẩu đã một thời gắn bó. |
Nghĩ tới việc cuốn số hộ khẩu từng được coi như “sinh mạng” của cả gia đình, trong tương lai không xa sẽ chỉ giữ để làm kỷ niệm, người dân Thái Nguyên, nhất là các cụ già đều cảm thấy có chút tiếc nuối. Dẫu vậy, mọi người đều đồng thuận ủng hộ cho một chủ trương mới, cho việc “số hóa” để phù hợp với xu hướng thời đại.
Bà Trương Thị Khánh, 76 tuổi, hiên cư trú tại phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên), cho hay: Vợ chồng tôi từ dưới xuôi (Hà Nam) lên Thái Nguyên lập nghiệp. Khi có sổ hộ khẩu, vợ chồng tôi vui lắm! Đây chính là điều kiện quan trọng để chúng tôi “an cư, lập nghiệp”…
Vừa trò chuyện cùng chúng tôi, bà Khánh vừa hồi tưởng về những năm tháng đã qua. Bà kể cho tôi nghe những lần đi nhập sinh cho các con với khuôn mặt đầy hạnh phúc. Rồi câu chuyện như bị trùng xuống khi bà kể về những lần đi xóa hộ khẩu cho bố chồng và người chồng đã mất do tuổi cao sức yếu…
Không chỉ riêng bà Khánh mà biết bao thế hệ đã gắn bó với cuốn sổ hộ khẩu ấy. Ngay như lớp con cháu như chúng tôi, cuốn sổ hộ khẩu cũng vô cùng quý giá. Để có cuốn hộ khẩu gia đình, vợ chồng tôi cũng đã từng bỏ ra rất nhiều công sức. Tôi còn nhớ, khi mới kết hôn (cách nay đã 21 năm), tôi phải mang quyển sổ hộ khẩu của bố mẹ đi tách hộ. Sau đó, chồng tôi được hướng dẫn chuyển hộ khẩu từ huyện Đại Từ về nhập vào sổ hộ khẩu mà tôi vừa tách. Một năm sau, vợ chồng tôi đón con trai đầu lòng, tôi lại mang sổ hộ khẩu ra công an phường để nhập sinh cho bé…
Quyển sổ hộ khẩu được coi là “vật bất ly thân” khi tôi đi đăng ký nhập học cho con; đăng ký xe mô tô, xe gắn máy; làm hồ sơ liên quan đến nhà đất, làm giấy phép xây dựng… Hay như lần đi đổi giấy chứng minh thư nhân dân cách đây 5 năm, do quên sổ hộ khẩu ở nhà, tôi đã phải mất khá nhiều thời gian mới hoàn thiện được các thủ tục cần thiết…
Nhâm nhi lại những câu chuyện “một thời để nhớ” để thấy rằng, sổ hộ khẩu đã gắn bó với bao thế hệ người dân Việt Nam nói chung, người dân Thái Nguyên nói riêng như thế đấy. Vì lẽ ấy, khi có thông tin sổ hộ khẩu sẽ bị “khai tử” từ ngày 1-1-2023, không ít người dân cảm thấy xao xuyến như thấy mất đi một cái gì đó thân thiết.
Dù vậy, mọi người đều đồng tình ủng hộ chủ trương này. Bà Nguyễn Thị Nguyệt, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ), nói: Dù cảm thấy xao xuyến khi phải chia tay với cuốn sổ hộ khẩu đã gắn bó lâu dài với tôi và cả gia đình, nhưng tôi nhận thấy sự đổi thay này rất tích cực. Tôi cho rằng, không dùng sổ hộ khẩu chắc chắn tốt hơn, dân đỡ khổ hơn, không còn ôm khư khư cái sổ hộ khẩu với đống giấy tờ chạy tới chạy lui kêu thiếu cái này, sót cái nọ. Đặc biệt là không còn cảm giác lo lắng mỗi khi không may làm mất sổ hộ khẩu nữa. Để làm lại sổ hộ khẩu, người dân chúng tôi mất khá nhiều thời gian.
Cũng chung suy nghĩ với bà Nguyệt, ông Lê Văn Tài, xã Cổ Lũng (Phú Lương), chia sẻ: Lớp người già chúng tôi thường hay hoài cổ nên mới xao xuyến, bâng khuâng với cuốn sổ hộ khẩu. Kỳ thực, chúng ta đang thực hiện công cuộc chuyển đổi số rất mạnh mẽ và mọi công dân nên vui mừng khi thông tin cư trú, thân nhân của chúng ta đã được “số hóa”. Trước đây, mục đích của việc yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu là để xác nhận các thông tin nhân thân của cá nhân. Vì vậy, khi thực hiện thủ tục như đăng ký nhập học, hồ sơ nhà đất... cần sổ hộ khẩu thì nay sẽ khai thác thông tin trên Cơ sở dữ liệu dân cư để xác nhận mà không phải xuất trình sổ hộ khẩu nữa (chỉ cần có căn cước công dân). Sự đổi thay này có lợi cho tất cả mọi người…
Sự chuyển giao nào cũng có chút vấn vương. Nhưng người dân Thái Nguyên đều hiểu, mọi sự thay đổi, trong đó có chủ trương “khai tử” sổ hộ khẩu là để tạo điều kiện thuận lợi cho chính họ.