Nâng cao đời sống cho đồng bào
Đồng bào DTTS xã Bàn Đạt đã trồng được trên 35ha chè, góp phần xóa đói, giảm nghèo. |
Bàn Đạt là một trong những xã miền núi khó khăn của huyện Phú Bình có 49% số dân là người dân tộc thiểu số (DTTS). Những năm qua, với sự năng động, tích cực của Đảng bộ và chính quyền cùng sự nỗ lực của nhân dân trong việc phát huy lợi thế, tranh thủ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, đời sống kinh tế của người dân ngày càng được nâng lên.
Trao đổi với chúng tôi, anh Đặng Khắc Đoan, Phó Chủ tịch UBND xã Bàn Đạt cho biết: Toàn xã hiện có 6.609 nhân khẩu, sinh sống ở 12 xóm. Xã có hai dân tộc anh em cùng sinh sống là Kinh và Sán Dìu, trong đó người dân tộc Sán Dìu chiếm đến 49%, sống tập trung ở 4 xóm Cầu Mành, Đồng Quan, Bờ Tấc, Đá Bạc… Với tỷ lệ người DTTS chiếm gần 1/2 dân số toàn xã, nên những năm qua, việc thực hiện tốt chính sách dân tộc được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Cùng với việc tranh thủ sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, xã cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức tự giác của bà con nhân dân trong việc xoá đói, giảm nghèo.
Nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS được triển khai trên địa bàn xã trong thời gian qua, như: Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn; chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn… Tính trong giai đoạn 2014-2019, đã có trên 1.200 lượt hộ DTTS được hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất, thiết bị máy móc… với tổng kinh phí 2,73 tỷ đồng. Anh Đàm Văn Thạch, một trong những hộ dân xóm Đồng Quan được hưởng chính sách trên chia sẻ: Năm 2017, tôi được Nhà nước hỗ trợ hơn chục triệu đồng để mua máy cày, nhờ đó tôi không chỉ tiết kiệm được thời gian công sức lao động mà còn làm thêm dịch vụ cày thuê để nâng cao thu nhập.
Cùng với các chương trình trên, UBND xã Bàn Đạt còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện chỉ đạo các tổ vay vốn trong xã thực hiện tốt việc rà soát nhu cầu vay vốn của nhân dân, chính sách vay vốn phát triển sản xuất cho đồng bào DTTS với tổng dư nợ trên địa bàn xã là 33,22 tỷ đồng… Thông qua triển khai các chương trình, dự án, bà con nhân dân, đặc biệt là đồng bào DTTS trong xã đã có vốn đầu tư, tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, dần dần đổi mới cách nghĩ, cách làm, thay đổi tập quán canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần đưa kinh tế chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hoá, từng bước hình thành các mô hình cho hiệu quả kinh tế cao. Tính riêng 4 xóm có người DTTS sinh sống đã phát triển được trên 100 gia trại chăn nuôi, trồng 35ha chè, 100% diện tích rừng được trồng, chăm sóc…
Nhằm từng bước nâng cao đời sống cho người dân, cùng với việc chú trọng phát triển kinh tế, Đảng và Nhà nước cũng đã dành nhiều quan tâm đến công tác giáo dục, y tế, văn hóa… Người dân được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, người nghèo được khám, chữa bệnh miễn phí và được hưởng chính sách bảo hiểm y tế đúng quy định. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, việc phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng được chú trọng, người dân hăng hái tham gia các phong trào, xây dựng đời sống văn hóa tại khu dân cư. Bà con nhân dân vùng DTTS cũng đã quan tâm hơn đến việc học hành của con em mình, cả 4 xóm có đông đồng bào dân tộc sinh sống đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ; có 4 người trình độ đại học; 40 người được đào tạo nghề; gần 250 người được nhận vào làm việc tại các nhà máy, công ty… Đời sống văn hóa của đồng bào các DTTS được nâng cao một bước, văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số được bảo tồn và phát huy…
Theo anh Đặng Khắc Đoan: Việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS nói riêng đã góp phần giúp xã Bàn Đạt thu hẹp khoảng cách, sự chênh lệch giàu, nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân... Năm 2018, thu nhập bình quân người dân trong xã đạt 28 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo là 18,04%...