Nghị lực sống
Hò hẹn mãi, rồi tôi cũng gặp được các chị, những phụ nữ không may mắn trong cuộc sống riêng tư. Ngày đẹp nhất của đời người, bước lên xe hoa, cũng là lúc các chị dấn thân vào phần đời đầy giông gió. Chị Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hoa Hướng dương cho biết: Câu lạc bộ có 248 thành viên, 100% là nữ và đều bị lây nhiễm HIV từ chồng, trong đó 38 thành viên có con bị lây nhiễm HIV.
Tôi nhấp vội ngụm cà phê, chát đắng để giấu đi cảm xúc. Bởi trong cuộc đời còn có nỗi đau nào hơn khi trong nhà có hai mẹ con, nuôi nhau, thì cả mẹ cùng con đều bị lây nhiễm HIV. Các chị sẽ sống như thế nào để vượt lên nỗi đau bệnh tật, và sự kỳ thị của không ít người trong cộng đồng xã hội.
-Nhìn chúng em như thế này, anh có nghĩ rằng chúng em đều có HIV không? T.N.V, phường Quang Trung (TP Thái Nguyên) hỏi làm tôi bối rối. Vì trước mặt tôi, T.N.V cùng các bạn của mình đều rực rỡ như những đóa hồng. Nhưng tôi cảm nhận được sau câu chuyện giòn tan từ những gương mặt xinh tươi kia có vị mặn của nước mắt. Để sau những ngày đau đớn, khổ tâm, các chị nhận ra mỗi sớm mai mặt trời vẫn mọc, nên tìm vui ở công việc hằng ngày.
22 tuổi, em lấy chồng (T.N.V bắt đầu câu chuyện): Ngày sinh con đầu lòng, cũng là ngày em nhận được thông báo của bệnh viện, em bị lây nhiễm HIV. Đau đớn hơn là sau khi sinh con, gia đình nhà chồng lảng tránh, coi mẹ, con em như người thừa trong nhà. Thời gian đầu, mẹ chồng nhiếc mắng, bảo em đã đổ bệnh cho cốt nhục của nhà chồng. Em tủi hổ, nằm ôm con trong phòng cả tháng. Cũng may chồng em là người dũng cảm, anh dám nhận lỗi với bố mẹ. Năm cháu lên 2 tuổi, bi bô gọi bố cũng là lúc bố cháu chết vì căn bệnh HIV/AIDS.
Đầy trăm ngày mất của chồng, cũng là ngày T.N.V nhận được kết quả xét nghiệm con gái dương tính với HIV. Chị đau đớn, khóc vật vã và tiếp tục sống trong sự ghẻ lạnh của gia đình nhà chồng. Chị ôm con về nhà bố mẹ đẻ, kể hết ngọn ngành, xin bố mẹ tha thứ vì trước đây đã không chịu nghe lời khuyên can của bố mẹ.
Cùng ở T.P Thái Nguyên, chị N.T.H, phường Phan Đình Phùng kể: Năm 2005, thấy chồng bị đau ốm cả tháng, chẳng thuốc nào chữa khỏi, em đèo anh ấy đi bệnh viện chạy chữa. Khi đó em mới biết chồng mình bị lây nhiễm HIV. Chồng em khóc òa lên như đứa trẻ.
Nghe lời khuyên của bạn bè, N.T.H đi làm xét nghiệm HIV. Dù đã tự trấn an, nhưng đôi mắt chị nhòe nước khi kết quả xét nghiệm máu có dương tính với HIV. Đôi chân chị nhũn ra. Chị hoang mang, mất ăn, mất ngủ nhiều ngày, thân thể tiều tụy. Chị đau đớn nhận ra cả những người thân thiết của mình cũng ngại tiếp xúc, rồi chòm xóm bàn tán, có người bạo miệng nói để chị nghe: Cả nhà nó bị ết, chắc chỉ chết trong nay mai. Chị bảo: Tôi chết, chồng tôi chết, chẳng sao. Chỉ mong đứa con trai 5 tuổi không bị mắc căn bệnh hiểm nghèo như bố, mẹ. Nhưng điều ấy lại đến, khiến có lúc tôi muốn ôm con nhảy sông Cầu quyên sinh.
Cũng như bao “thân phận đàn bà”, khi nhận kết quả xét nghiệm dương tính với HIV, chị P.T.K, ở T.X Phổ Yên cho biết: Tôi đau đớn đến tuyệt vọng. Nhất là khi đứa con bé bỏng, vô tội chính thức có kết quả xét nghiệm HIV, tôi đã mắng chồng mình là… kẻ không ra gì. Giao du với “bọn” nghiện để mắc phải căn bệnh hiểm vô phương cứu chữa. Đã vậy, còn làm cho vợ, con chịu chung nỗi đau HIV.
Hầu hết chị em khi phát hiện mình bị lây nhiễm căn bệnh HIV đều rơi vào trạng thái tâm lý bất an, lo lắng, tủi thân, mặc cảm, thậm chí là chán sống. Rồi thời gian như có phép nhiệm màu, làm mỗi người nguôi ngoai buồn tủi, tiếp tục đứng dậy sống bằng chính nghị lực của mình. Chỉ mong mọi người trong cộng đồng xã hội không kỳ thị, sống bình đẳng với trẻ em có HIV.