Ngôi nhà bình yên
Cán bộ, nhân viên Phòng Công tác xã hội và Phát triển cộng đồng (Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội Thái Nguyên) trao đổi kỹ năng tư vấn, trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị bạo hành trong gia đình. |
Cơ sở tạm lánh (Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội Thái Nguyên) là địa chỉ tin cậy mang lại sự bình yên cho bao cuộc đời không may mắn. Chính vì thế mà nhiều người dân gọi đây là Ngôi nhà bình yên. Bởi những người đến tạm lánh ở ngôi nhà này đều đang trong tình cảnh dở khóc, thậm chí là mất an toàn khi ở ngoài xã hội.
Chị Phùng Thị Thơm, Phó Giám đốc Trung tâm chia sẻ: Mỗi người một hoàn cảnh, không ai giống ai. Nhưng dù là ai, khi đã đến cơ sở tạm lánh đều được chúng tôi chăm sóc đầy đủ về vật chất, tinh thần, giúp họ ổn định tâm lý. Khi thực sự an toàn chúng tôi mới để họ trở về nhà.
Bà Nông Thị Hoa, xã Bàn Đạt (Phú Bình) là một trường hợp như vậy. Dù đã hơn 50 tuổi, có với chồng 2 mặt con, nhưng bà Hoa vẫn phải chạy ra khỏi nhà để tìm đến với ngôi nhà bình yên. Bà Hoa kể: Chồng tôi ngày nào cũng uống rượu. Mà rượu vào thì lời ra, nhiều khi ông ấy đánh đập vợ con chẳng tiếc tay. Mỗi lần như thế, 3 mẹ con chỉ biết ôm nhau khóc. Tổ hòa giải ở xóm, rồi chính quyền địa phương đến can thiệp, ông ấy ừ à nhận khuyết điểm, hôm sau lại… rượu vào lời ra.
Bất lực, chị Trần Thị Son, con gái bà Hoa đã gọi điện thoại đến Tổng đài tư vấn Quốc gia, trình bày sự việc gia đình và xin trợ giúp tâm lý. Để việc tư vấn thuận lợi, Tổng đài giới thiệu cho chị Son tìm đến Trung tâm. Vậy là các cuộc điện đàm có nội dung trao đổi về tâm tư tình cảm, về cuộc sống hôn nhân gia đình, về tình hình kinh tế và cả chuyện vợ chồng thầm kín… giữa cán bộ tư vấn tâm lý của Trung tâm với bà Hoa được kết nối. Chị Trần Bảo Khánh, Trưởng Phòng Công tác xã hội và Phát triển Cộng đồng cho biết: Tư vấn qua điện thoại, chúng tôi trực tiếp về nơi chị Hoa sinh sống, phối hợp cùng chính quyền địa phương đến can thiệp, hòa giải. Nhưng hạnh phúc trong gia đình chị Hoa không được cải thiện nên chúng tôi đón chị Hoa đến ở tại Ngôi nhà bình yên của Trung tâm. Biết thời gian chưa đủ cho 2 người trong cuộc tìm lại hạnh phúc. Và nếu để chị Hoa trở về nhà sớm sẽ bị chồng đánh Trung tâm kết nối với Ngôi nhà bình yên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, gửi chị về ở tạm lánh 1 tháng. Trong thời gian này, chị Hoa được học nghề, tìm hiểu thêm về kỹ năng ứng xử trong cuộc sống gia đình, nhất là cách xử lý tình huống tâm lý với chồng đang trong cơn say rượu.
Cuộc sống đời thường vốn dĩ không bình lặng, bạo lực gia đình có thể xảy đến với bất cứ ai với nhiều lý do. Theo số liệu thống kê của Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh: Từ năm 2013 đến nay, tại 1.289 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng trong tỉnh đã tiếp nhận 624 ca tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình, trong đó có 19 trường hợp tạm lánh. Tại các xã, phường, thị trấn thành lập được 3.317 tổ hòa giải, với 19.042 hòa giải viên. Các tổ hòa giải cơ sở đã tiếp nhận giải quyết 9.120 vụ việc, trong đó hòa giải thành công 5.440 vụ việc… Trở lại với Ngôi nhà bình yên, chúng tôi biết vì “Vạn bất đắc dĩ” người bị bạo hành mới tìm đến tạm lánh. Bởi “Xấu chàng, hổ ai”. Chị Thơm cho biết thêm: Hầu hết các nạn nhân bị bạo hành đến Trung tâm đều đã qua hòa giải ở cơ sở không thành công. Nên chúng tôi cảm thông, gần gũi và luôn sẵn lòng chia sẻ để họ không có hành động tiêu cực.
Ngoài những chị em bị bạo lực gia đình, Ngôi nhà bình yên còn đón tiếp nhiều trường hợp “sa cơ lỡ vận” vào nương thân. Chị Lệnh Thị Thanh Cúc, cán bộ Trung tâm chia sẻ: Hầu hết chị em đến với Ngôi nhà bình yên đều có mặc cảm, ngần ngại, không muốn chia sẻ với ai. Như trường hợp bà Phan Thị Hương, sau 30 năm lưu lạc bên Trung Quốc trở về, bà sống vạ vật ở bến xe. Trước tình cảnh ấy, cán bộ Trung tâm đã đón bà về tạm lánh. Nhưng mấy mươi năm sống cảnh bị dập vùi nơi xứ người, bà Hương ngơ ngác, mất niềm tin với mọi người xung quanh. Bà luôn cảnh giác vì sợ bị bắt trả lại Trung Quốc. Làm nhân viên phục vụ, tôi gần gũi trò chuyện thân thiện, rảnh việc tranh thủ đi mua tặng bà đôi dép, bộ quần áo mới để thay giặt, rồi hằng ngày đi chợ, nấu cho bà mấy món ngon. Sau gần 1 tuần bà Hương mới thật sự tin tưởng, chia sẻ thông tin cá nhân với cán bộ Trung tâm. 3 ngày sau, ông Phan Văn Tùng, ở thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) đến đón. Ông Tùng nức nở: Tôi là em ruột của bà Hương. Hơn ba mươi năm chị mất tích, nay chị về, cả họ cầm sao được nước mắt… Cuối năm 2018, tức là sau 1 năm dời Ngôi nhà bình yên, bà Hương cùng người thân trở lại Trung tâm. Bà đã hoàn toàn là một con người khác. Bà cởi mở: Tôi chỉ biết nói lời cảm ơn với các anh, chị em cán bộ Trung tâm - những người làm công tác xã hội. Các anh, chị đã giúp tôi trở lại với cuộc sống bình yên mình từng bị đánh cắp.
Trong Ngôi nhà bình yên, chúng tôi biết đã có nhiều phận đời không may mắn đến tạm lánh. Mừng là hầu hết những “vị khách” của ngôi nhà khi trở về cuộc sống thường ngày đều đã tìm lại được hạnh phúc. Vì ở đó các nạn nhân được trò chuyện, chia sẻ, nâng cao được kỹ năng ứng xử trong cuộc sống.
(Tên người đến tạm lánh đã được thay đổi)