Người bệnh đồng mắc lao và HIV cần được điều trị bằng ARV sớm nhất

Cập nhật: Chủ nhật 14/06/2015 - 08:27

Theo Tổ chức Y tế thế giới, HIV là yếu tố nguy cơ cao nhất đối với sự tiến triển bệnh lao ở những người nhiễm vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis mới hoặc tiềm ẩn. Nguy cơ tiến triển bệnh lao ở người nhiễm HIV cao gấp 20 đến 37 lần so với người không nhiễm HIV.

Bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong cho hơn một phần tư số người nhiễm HIV. Hiện nay, Việt Nam có hơn 200.000 người nhiễm HIV đang còn sống và hàng năm phát hiện khoảng 100.000 bệnh nhân lao, trong đó bệnh nhân lao đồng nhiễm HIV khoảng 8.000 người.

 

Để đạt mục tiêu không có người tử vong liên quan đến AIDS, việc điều trị bằng thuốc kháng HIV kịp thời và chẩn đoán, điều trị, dự phòng lao ở người nhiễm HIV là hết sức cần thiết. Để dự phòng mắc lao ở người nhiễm HIV, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo điều trị sớm bằng thuốc kháng HIV (ARV) và điều trị dự phòng bằng Isoniazid (thuốc dùng để điều trị dự phòng mắc lao ở người nhiễm HIV) ở người nhiễm HIV không mắc lao tiến triển.

 

Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS: Bộ Y tế đã cập nhật các khuyến cáo này trong các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị HIV/AIDS với tiêu chuẩn bắt đầu điều trị ARV ở người nhiễm HIV ngày càng sớm hơn. Người nhiễm HIV được điều trị sớm, khi hệ thống miễn dịch chưa bị suy giảm nặng thì sẽ đáp ứng tốt hơn với các thuốc ARV, phục hồi sức khoẻ tốt và ít mắc các nhiễm trùng cơ hội, trong đó có bệnh lao. Tuy nhiên, trên thực tế, mặc dù tiêu chuẩn bắt đầu được điều trị mới đã làm tăng số bệnh nhân được tiếp cận với thuốc ARV nhưng tình trạng người nhiễm HIV được chẩn đoán và điều trị muộn còn tương đối phổ biến. Hiện nay, trên 60% người nhiễm HIV ở nước ta chỉ được bắt đầu điều trị bằng thuốc ARV khi CD4 dưới 100 tế bào/mm3. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi người nhiễm HIV điều trị bằng thuốc ARV càng muộn thì tỷ lệ tử vong càng cao.

 

Đồng thời với việc mở rộng tiêu chuẩn bắt đầu điều trị bằng thuốc ARV, Bộ Y tế mới ban hành hướng dẫn chẩn đoán tích cực bệnh lao và điều trị dự phòng mắc lao ở người nhiễm HIV bằng Isoniazid (INH). Điều trị dự phòng mắc lao bằng INH là một biện pháp can thiệp quan trọng về sức khỏe cộng đồng nhằm phòng ngừa bệnh lao ở những người nhiễm HIV và đã được Tổ chức Y tế thế giới và Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) khuyến cáo áp dụng từ năm 1998 như một phần trong chiến lược chăm sóc bệnh nhân HIV và AIDS toàn diện. Biện pháp này sau đó đã được đưa vào nhiều hướng dẫn và khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Tuy nhiên, việc thực hiện còn rất chậm và gặp một số cản trở như thiếu quy trình kỹ thuật để loại trừ bệnh lao tiến triển và lo sợ tình trạng kháng thuốc INH. Căn cứ vào các kết quả nghiên cứu, Tổ chức Y tế thế giới cho rằng điều trị dự phòng lao bằng INH không làm tăng nguy cơ phát triển bệnh lao kháng INH...

 

Người nhiễm HIV có thêm cơ hội bảo vệ khỏi mắc bệnh lao khi được nhân viên y tế sàng lọc các dấu hiệu và triệu chứng nghi mắc lao trong mỗi lần đến khám. Để loại trừ mắc lao, người nhiễm HIV cần được điều trị dự phòng bằng INH trong thời gian 9 tháng đối với người lớn và 6 tháng đối với trẻ em. Cục Phòng, chống HIV/AIDS khẳng định: HIV và bệnh lao có mối liên quan chặt chẽ với nhau. Chính vì vậy, muốn thành công trong phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống lao cần thực hiện các hoạt động phối hợp trong chẩn đoán, điều trị và dự phòng để người nhiễm HIV được chẩn đoán, điều trị lao sớm; điều trị dự phòng mắc lao bằng INH và chẩn đoán tình trạng nhiễm HIV ở bệnh nhân lao. Nếu người bệnh được chẩn đoán đồng mắc lao và HIV thì cần được điều trị bằng ARV sớm nhất có thể.

 

Tại Việt Nam, sau khi triển khai thí điểm điều trị dự phòng lao bằng INH tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh cho kết quả khả quan. Việc sử dụng quy trình để loại trừ bệnh lao tiến triển khá đơn giản, rõ ràng, y bác sĩ của các cơ sở điều trị dễ dàng thực hiện. Sau khi hoàn thành điều trị bệnh nhân người lớn và trẻ em bằng INH theo thời gian quy định cho thấy: chỉ chưa đến 1% có các tác dụng không mong muốn, 1% bệnh nhân đang điều trị INH thì phát hiện mắc bệnh lao tiến triển. Từ những kết quả này, năm 2012, Bộ Y tế đã hướng dẫn triển khai mở rộng trên phạm vi toàn quốc. Đến nay, Thái Nguyên là địa phương triển khai khá tốt hoạt động này, ngoài ra còn có các tỉnh khác gồm: Thanh Hóa, Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh./.  

Thế Hà
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: