Người dân cần được cung cấp nguồn nước ổn định, chất lượng
Thời gian qua, một số hộ dân thuộc tổ 2, phường Thịnh Đán, thường xuyên gặp tình trạng mất nước, nước yếu. |
Thời gian gần đây, người dân ở một số phường trên địa bàn TP. Thái Nguyên liên tục phản ánh về tình trạng mất nước, nước yếu vào khung giờ cao điểm, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống sinh hoạt của bà con.
Ông Tô Văn Thắng, ở tổ dân phố số 6, phường Chùa Hang, phản ánh: Từ ngày 21-24/10, toàn bộ các hộ dân trong tổ bị mất nước. Gia đình tôi cũng nhận được thông báo tạm dừng cấp nước của Công ty TNHH Thành Hiệu (đơn vị sản xuất, cấp nước trên địa bàn phường Chùa Hang), nhưng không thông báo là thời gian dừng là bao lâu. Dù gia đình cũng lắp bồn nước dự trữ, nhưng chỉ đủ sử dụng được trong 1 ngày. Mấy ngày mất nước, mọi sinh hoạt bị đảo lộn.
Còn ông Nguyễn Văn Nghiệp, Tổ trưởng tổ dân phố số 6, phường Chùa Hang, cho biết: Đợt cắt nước vừa qua, hầu hết các hộ dân trên địa bàn phường Chùa Hang bị ảnh hưởng, riêng tổ dân phố số 6 có hơn 200 hộ.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại các phường Thịnh Đán, Tân Thịnh cũng xảy ra tình trạng mất nước hoặc nước yếu vào giờ cao điểm. Anh Nguyễn Văn Tuấn, ở tổ 3, phường Thịnh Đán, chia sẻ: Gần 10 ngày nay, nguồn nước máy của gia đình tôi rất yếu, có thời điểm mất nước hoàn toàn. Ở đô thị bị mất nước thì rất phức tạp, việc nấu ăn thì có thể mua nước tinh khiết để sử dụng, nhưng nước dùng cho sinh hoạt hằng ngày thì không có, nên gia đình đành phải đi xin nước giếng khơi, cách nơi ở rất xa về sử dụng.
Trả lời Báo Thái Nguyên về vấn đề được người dân phản ánh, ông Trần Tiến Soạn, Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty CP Nước sạch Thái Nguyên, thông tin: Sau khi nhận được phản ánh về tình trạng mất nước, nước yếu, đơn vị đã tiến hành kiểm tra và phát hiện một số sự cố tắc, rò rỉ đường ống nhánh dẫn nước vào khu dân cư, nên đã sử dụng bơm áp suất lớn, bơm nước vào đường nhánh để khắc phục. Tuy nhiên, đối với đường ống nước đặt ngầm dưới đất rất khó dò tìm đoạn xảy ra sự cố, nên việc sửa chữa, khắc phục mất nhiều thời gian hơn.
Cũng theo ông Soạn, hiện nay, nguồn nước máy của một số hộ dân sinh sống ở vị trí cao có thể bị yếu vào giờ cao điểm. Tới đây, khi Nhà máy nước Nam Núi Cốc đi vào hoạt động, có công suất 50.000m3/ngày, đêm, với áp suất lớn (do Nhà máy ở vị trí cao) nên việc thiếu nước, nước yếu của những hộ dân này sẽ cơ bản được giải quyết.
Còn theo đại diện Công ty TNHH Thành Hiệu (đơn vị cấp nước cho phường Chùa Hang và một số xóm của xã Cao Ngạn), nguyên nhân của việc tạm dừng cấp nước từ ngày 21 đến 24-10 vừa qua là do Giấy phép khai thác nước mặt của Công ty hết hạn. Trước đó, từ đầu tháng 8/2022, khi sắp hết hạn Giấy phép khai thác nước tại giếng Mắt Rồng, đơn vị đã có văn bản gửi cơ quan chức năng của TP. Thái Nguyên, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị kiểm tra, thẩm định để cấp lại Giấy phép. Tuy nhiên, đến ngày 20-10, cơ quan chức năng vẫn chưa thẩm định, cấp lại Giấy phép, nên đơn vị buộc phải ngừng khai thác, cắt nguồn nước cấp cho người dân. Đến ngày 24-10, khi được cấp lại Giấy phép, Công ty đã cấp lại nước ổn định cho người dân.
Theo lãnh đạo 2 đơn vị sản xuất nước sạch cung cấp cho người dân trên địa bàn TP. Thái Nguyên, hoạt động sản xuất nước tại Thái Nguyên hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào nguồn điện cung cấp. Đặc biệt, với nhu cầu sử dụng nước của người dân ngày càng lớn, trong khi đó, công suất khai thác của các nhà máy nước thấp và hạ tầng cung cấp nước đã xuống cấp, nên có tình trạng vỡ ống, nước đục…
Phải khẳng định rằng, người dân là khách hàng cần phải được đảm bảo quyền lợi sử dụng nguồn nước ổn định, có chất lượng. Việc mất nước, nước yếu thuộc về trách nhiệm của đơn vị cung cấp. Do đó, nhu cầu chính đáng, quyền lợi của người dân cần được bảo đảm bằng trách nhiệm của đơn vị cấp nước và cơ quan quản lý.
(Theo ghi nhận của chúng tôi, đến sáng sớm ngày 27-10, một số hộ dân ở tổ 2, phường Thịnh Đán, vẫn bị mất nước. Từ 5 giờ sáng ngày 28-8 đến nay, một số hộ đã có nước nhưng nguồn nước được cấp gián đoạn, không ổn định. Lúc có, lúc không...).