Người lao động “khát” nhà ở xã hội
Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh thăm hỏi đời sống công nhân đang thuê trọ trên địa bàn T.P Thái Nguyên. Ảnh: Vũ Công |
Cùng với sự phát triển kinh tế, nhất là lĩnh vực công nghiệp, Thái Nguyên thu hút đông đảo người lao động (NLĐ) từ các tỉnh đến làm việc, nhu cầu về nhà ở cho người có thu nhập thấp tăng cao. Nhiều NLĐ đang “khát” nơi an cư để gắn bó với doanh nghiệp (DN).
Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 5.000 DN, hơn 230.000 NLĐ với mức lương bình quân: Gần 8 triệu đồng/người/tháng đối với DN thuộc công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; hơn 11 triệu đồng/người/tháng đối với công ty cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước; hơn 7,5 triệu đồng/người/tháng đối với DN dân doanh; gần 8,3 triệu đồng/người/tháng đối với DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Mức thu nhập khiêm tốn, thời gian làm việc chưa đủ lâu nên hầu hết NLĐ chưa đủ tiền tích lũy đề mua nhà ở. Chia sẻ khó khăn với NLĐ, một số DN đã đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, trong đó phải kể đến Samsung Thái Nguyên. Công ty này xây dựng 28 tòa nhà 6 tầng với hơn 3.500 phòng, đáp ứng chỗ ở cho 10.000 người. Tiếp đến là Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG Thái Nguyên, với 2 khu nhà đủ đáp ứng chỗ ở thường xuyên cho 600 NLĐ. Ngoài 2 khu nhà này, Công ty còn đầu tư xây dựng thêm 1 khu nhà với tổng số 160 căn hộ, dành bán hoặc cho NLĐ thuê ở với mức giá ưu đãi.
Một thông tin vui là 6 năm gần đây, Thái Nguyên được Trung ương giao vốn vay gần 60 tỷ đồng liên quan đến giải quyết nhà ở cho người có thu nhập thấp. Riêng năm 2021 được giao 15 tỷ đồng.
Qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, hàng nghìn NLĐ được vay từ nguồn vốn ưu đãi này để làm nhà, mua nhà ở. Nhưng nguồn vốn này mới đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu thực tế, bởi đa số các DN trong và ngoài khu công nghiệp (KCN) chưa mặn mà với đầu tư xây dựng nhà ở xã hội vì vốn đầu tư lớn, không sinh lời nhiều.
Trong lúc chưa có nhà, NLĐ phải tìm đến các nhà trọ bình dân, thậm chí là nhà trọ rẻ tiền để tá túc. Nhiều nhất là T.X Phổ Yên với gần 20.000 trường hợp, tiếp đến là huyện Phú Bình với hơn 10.000 trường hợp, và hàng nghìn trường hợp NLĐ đang làm việc tại địa bàn T.P Thái Nguyên, T.P Sông Công… đang ở nhà trọ.
Qua khảo sát của Sở Xây dựng và các cấp, ngành liên quan: Giai đoạn 2020-2021 toàn tỉnh có hơn 16.000 NLĐ trong KCN và 21.000 NLĐ ngoài KCN có thu nhập thấp. Để đáp ứng nhu cầu nhà ở, Thái Nguyên cần có gần 15.000 căn hộ, với tổng diện tích sàn khoảng gần 1 triệu m2. Chưa kể các thiết chế phục vụ sinh hoạt chung như nhà văn hóa, nhà tập luyện thể thao, căng tin và nhà trông trẻ.
Các nhà xã hội học cũng như DN đều nhận thấy rất rõ lợi ích của nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp. Ngoài ý nghĩa để NLĐ được an cư, gắn bó, DN còn giảm được kinh phí đầu tư phương tiện vận chuyển, chi phí đưa đón; NLĐ không mất nhiều thời gian cho việc đi lại, sức khỏe được bảo đảm; giảm nguy cơ gây mất an toàn giao thông và an ninh trật tự.
Đặc biệt, trong trường hợp có dịch bệnh bùng phát, phương án sản xuất 3 tại chỗ giúp DN không bị thiếu nguồn nhân lực; không bị gián đoạn sản xuất, và NLĐ có việc làm ổn định.