Người mẹ thứ hai của những trẻ bị HIV/AIDS
Giờ học chữ cho trẻ mồ côi và HIV do các mẹ là điều dưỡng viên tại Trung tâm trực tiếp dạy. |
Những đứa trẻ vô tội nhiễm HIV từ bố mẹ; mồ côi khi vừa mới sinh, bị người đời xa lánh, kỳ thị... Cuộc đời của nhiều em dường như đã khép lại ngay khi mới bắt đầu. Nhưng, trong cuộc đời vẫn có những tấm lòng biết thương yêu, chia sẻ, đã dang tay xoa dịu niềm đau cho những đứa trẻ bất hạnh, họ như là những người mẹ thứ hai. Những người mẹ làm công tác điều dưỡng ở Trung tâm Bảo trợ xã hội (TTBTXH) tỉnh.
Đêm Đông, sương mù giăng mịt mùng, bỗng tiếng động cơ xe máy rú lên, vọt qua cổng cơ quan rồi lao đi. Giây lát sau, từ phía ngoài cổng, tiếng khóc của trẻ sơ sinh mỗi lúc một to... Lại một thân phận trẻ bị bỏ rơi. - Anh Nguyễn Thanh Trường, bảo vệ Trung tâm nhớ lại đêm 28-11-2013, anh Trường đã cùng các điều dưỡng viên của Trung tâm ra đón bé vào chăm nuôi và đặt tên cháu là Nguyễn Lệ Quyên. Nhưng ít ngày sau, khi nhận kết quả kiểm tra sức khỏe ban đầu, mọi người nhận tin: Bé Quyên bị nhiễm HIV do mẹ truyền sang. Ngay lập tức, bé được chuyển sang chế độ chăm sóc riêng. Chị Dương Thanh Hà, Trưởng phòng Chăm sóc chia sẻ: “Chúng tôi rất lo ngại vì không biết cha mẹ cháu là ai, khi họ đang mang trong mình HIV, thậm chí là AIDS, mà ẩn danh tính. Điều này sẽ nguy hiểm vô cùng, nếu họ không chủ động tuân thủ theo hướng dẫn và quản lý điều trị của cán bộ y tế”.
Chuyện bé Lệ Quyên bị bỏ rơi đối với đội ngũ điều dưỡng viên của TTBTXH không còn là mới lạ. Chị Nguyễn Thúy Hường, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Hầu hết các bé thuộc nhóm có HIV, khi vào Trung tâm đều có thể trạng rất yếu và đều phát bệnh ngoài da, viêm phổi cấp tính. Năm 2011-2012, lúc cao điểm nhất, Trung tâm tiếp nhận 20 bé. Chúng tôi đã tìm các loại thuốc dân gian như bồ kết, lá khế, chè tươi... để tắm cho các - cháu, rồi kết hợp điều trị theo chỉ định của cán bộ y tế, dần dần các cháu cũng khỏe hơn. Đối với các cháu trong độ tuổi học tiểu học, khi được điều trị, sức khỏe phục hồi thì các điều dưỡng viên trực tiếp dạy học chữ, làm các phép toán. Khi trẻ lớn thì cùng giúp các mẹ chăm sóc em nhỏ hơn...”. Do cơ địa nhạy cảm với mọi mầm bệnh, sức đề kháng yếu, hầu hết các cháu đều đã có lần phải vào viện điều trị. Mỗi năm trung bình các mẹ đưa 20 - 30 lượt các con tới bác sĩ khám các bệnh viêm phế quản, viêm phổi, sẩn ngứa bội nhiễm, zona thần kinh... Mẹ Đỗ Thị Phương, điều dưỡng viên tâm sự: “Mỗi lần đưa tụi trẻ đi khám bệnh lại là một lần hồi hộp. Khi về với gia đình, chúng tôi vẫn không thể quên được các bé, đứa nào cũng đáng yêu, dễ thương lắm. Nhiều đứa đã biết gọi tiếng mẹ ơi! Chúng tôi tuy là mẹ nuôi, nhưng yêu thương các bé như con đẻ của mình. Mỗi buổi đến chăm sóc các bé, chúng tôi chỉ còn biết động viên nhau: Dành tình thương yêu của mình làm phương thuốc thần diệu cho các bé”.
Được các điều dưỡng viên của Trung tâm dẫn đi thăm khu chăm sóc các em là đối tượng nhiễm HIV, chúng tôi mới thấy được sự hy sinh thầm lặng của các mẹ khi hàng ngày ân cần san sẻ yêu thương cho các bé. Em Hoàng Thị Yến, 9 tuổi, cha, mẹ đều bị AIDS đã mất. Em vào Trung tâm trong tình trạng suy hô hấp, nhưng được điều trị tích cực, sức khỏe đã hồi phục và đã có thể cùng các mẹ dạy chữ cho các em nhỏ hơn và giúp các bé uống thuốc. Chị Nguyễn Thị thương cho biết: Hiện có 6 bé bị nhiễm HIV. Hằng ngày, ngoài việc cho các bé uống thuốc, các mẹ còn phải “gò” trẻ vào những quy tắc, như: Tập thể dục, không uống nước đá, luôn súc miệng bằng nước muối buổi sáng và tối… Cũng có thời điểm 3-4 bé cùng bị sốt, mỗi mẹ chăm sóc một bé, thay nhau trực thâu đêm bên giường bệnh, vì vắng mẹ là các con khóc. Có thể nói, những tình cảm các mẹ đã và đang san sẻ cho các bé nhiễm HIV ở TTBTXH tỉnh đã gieo vào tâm hồn các bé những tình cảm yêu thương, nhân ái không bờ bến. Nhưng, những trăn trở của các mẹ: “Không biết cha, mẹ các bé là ai, khi để các cháu ở đây họ trở về với cộng đồng mà không chủ động phòng, chống lây nhiễm theo chỉ định của cán bộ y tế thì sẽ rất dễ lây nhiễm sang người khác”.