Người nhiễm HIV có quyền được sống, điều trị và chăm sóc bình đẳng

Cập nhật: Thứ ba 06/12/2016 - 14:26

Kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV là một rào cản, hạn chế việc tiếp cận dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV trên thế giới cũng như ở Việt Nam.

Thực trạng kỳ thị và phân biệt đối xử với người có HIV tại Việt Nam vẫn tồn tại nhiều mức độ khác nhau ở trường học, gia đình, cơ sở y tế và cộng đồng. Đặc biệt, ngay chính cán bộ y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh cũng có thái độ kỳ thị và phân biệt, đối xử với người nhiễm HIV, gây ảnh hưởng đến quyền sống, quyền bình đẳng của người nhiễm HIV.

 

Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết: Kỳ thị với người nhiễm HIV/AIDS là thái độ coi thường, làm mất thể diện hay không tôn trọng một người hoặc gia đình họ vì biết họ nhiễm hoặc nghi ngờ bị nhiễm HIV/AIDS. Kỳ thị có thể do các cá nhân, bạn bè, gia đình, cộng đồng và cả cán bộ y tế, thậm chí từ phía chính quyền gây ra với người nhiễm HIV/AIDS.

 

Bên cạnh đó, kỳ thị còn do chính người nhiễm HIV/AIDS gây ra (tự kỳ thị) vì thấy mình không được những người xung quanh chấp nhận hay mặc cảm với hoàn cảnh. Những bài học kinh nghiệm trong phòng, chống HIV/AIDS cho thấy, dù ở bất cứ đâu và dù bị lây nhiễm HIV vì bất cứ lý do nào nếu không được xã hội tạo môi trường thuận lợi, những người nhiễm HIV thường phải giấu diếm, lẩn trốn khỏi cộng đồng.

 

Ở Việt Nam, tiếp theo vòng một diễn ra năm 2011, vòng 2 việc nghiên cứu về chỉ số đánh giá mức độ kỳ thị với người sống với HIV được mạng lưới quốc gia những người sống với HIV Việt Nam tiến hành vào năm 2014. Qua đó, góp phần tìm hiểu sự kỳ thị và phân biệt đối xử mà người sống với HIV gặp phải cũng như những thay đổi so với năm 2011. Đã có 1.625 người tham gia nghiên cứu vòng 2, trong đó có 1.072 người được chọn từ các phòng khám ngoại trú tại 5 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Điện Biên và Hải Phòng.

 

Trong một kết quả nghiên cứu mới đây cho thấy: Ở Việt Nam, tỷ lệ các trường hợp bị kỳ thị và phân biệt đối xử vẫn ở mức cao, đặc biệt trong nhóm phụ nữ mại dâm, người tiêm chích ma túy và nam quan hệ tình dục đồng giới. Cụ thể, bị xì xào bàn tán là một trong các dạng kỳ thị và phân biệt đối xử phổ biến nhất với gần 1/4 người được phỏng vấn từng trải qua tình trạng này; tỷ lệ bị xúc phạm và bị cô lập khỏi các hoạt động xã hội là 5,8%; phụ nữ mại dâm và phụ nữ sống với HIV là các nhóm dễ bị hành hung và nhục mạ. Đặc biệt, khoảng 4,2% người được phỏng vấn cho biết họ đã bị mất việc và 6,7% người bị từ chối việc làm hoặc cơ hội việc làm trong 12 tháng qua; 1,3% người đã phải thay đổi nhà hoặc không được thuê nhà và 1,8% người đã bị từ chối dịch vụ y tế...

 

Bên cạnh đó, hơn 60% người được phỏng vấn cho biết họ không được thảo luận về kế hoạch điều trị với nhân viên y tế; dịch vụ y tế đôi lúc không thân thiện cũng như chưa đảm bảo các qui chuẩn đạo đức; việc tiết lộ thông tin mà chưa được sự đồng ý của người nhiễm HIV vẫn là vấn đề đáng quan tâm...

 

Mức độ kỳ thị và phân biệt đối xử cao cũng như thiếu lòng tin về tính bảo mật của kết quả xét nghiệm đã dẫn đến việc nhiều người sống với HIV chỉ đi làm xét nghiệm ở giai đoạn muộn, khi sức khỏe đã suy yếu và có dấu hiệu mắc nhiễm trùng cơ hội. Như vậy, những người nhiễm HIV sẽ khởi đầu điều trị muộn ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân và làm giảm tác dụng dự phòng của điều trị kháng vi rút...

 

Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh: Kỳ thị và phân biệt đối xử vẫn đang là rào cản lớn cho công tác phòng chống HIV/AIDS. Chính vì vậy, giải pháp quan trọng nhất là đổi mới tư duy về truyền thông. Cụ thể là cần truyền thông giải thích dựa trên các cơ sở khoa học và thực tiễn; chuyển từ việc nhấn mạnh vào con đường lây nhiễm sang nhấn mạnh hơn con đường không lây; chuyển từ việc coi người nhiễm HIV/AIDS và gia đình họ là đối tượng sang coi họ là chủ thể của truyền thông; chuyển từ đưa tin, hình ảnh tiêu cực về người nhiễm HIV sang đưa tin, hình ảnh tích cực về họ, cải thiện hình ảnh, tiến tới bình thường hóa sự có mặt của người nhiễm HIV trong cộng đồng.

 

Với tư duy đổi mới, nội dung, thông điệp truyền thông sẽ tập trung giải thích để mọi người hiểu về khả năng lây truyền của HIV, làm rõ thông tin HIV/AIDS không lây truyền qua các tiếp xúc thông thường. Giải thích về các tác hại của kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS và gia đình họ, trong đó nhấn mạnh các tác hại đối với cộng đồng, với sự phát triển kinh tế - xã hội và làm cho dịch HIV lây lan nhanh hơn.

 

Đồng thời, ngành y tế sẽ đa dạng hóa các phương pháp truyền thông; lồng ghép nội dung chống kỳ thị, phân biệt đối xử vào tất cả các hoạt động truyền thông về HIV/AIDS; tổ chức nhiều hoạt động truyền thông với sự tham gia của người nhiễm HIV và tạo điều kiện để các nhóm người nhiễm HIV/AIDS tổ chức các hoạt động truyền thông trong cộng đồng, trong trường học, tại nơi làm việc, bệnh viện … Bên cạnh đó, ngành y tế tăng cường huy động sự tham gia ngày càng nhiều của các nhà lãnh đạo, các vị chức sắc và những người có uy tín, người nổi tiếng được quần chúng mến mộ vào các hoạt động truyền thông, kết hợp thăm hỏi, động viên người nhiễm HIV/AIDS...

 

Đặc biệt, ngành y tế cung cấp dịch vụ điều trị và chăm sóc HIV một cách bình đẳng; mở rộng độ bao phủ dịch vụ điều trị bằng thuốc ARV trên phạm vi toàn quốc; gắn việc cung cấp điều trị ARV vào hệ thống y tế công hiện có. Ngành y tế bình thường hóa phương thức thanh toán các chi phí điều trị và chăm sóc HIV/AIDS thông qua bảo hiểm y tế; vận động chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV.

T.H
Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: