Người nhiễm HIV/AIDS cần thiết tham gia bảo hiểm y tế

Cập nhật: Thứ ba 07/02/2017 - 16:30

Từ tháng 7-2017, Việt Nam sẽ bắt đầu thực hiện chi trả tiền thuốc ARV từ nguồn bảo hiểm y tế (BHYT) và sẽ tăng dần trong những năm tiếp theo nhằm phấn đấu đạt 70% bệnh nhân điều trị HIV/AIDS được thanh toán qua BHYT vào năm 2020.

Nguồn viện trợ điều trị thuốc kháng virus (ARV) cho người nhiễm HIV từ các dự án quốc tế sẽ bị cắt giảm từ năm 2017, khiến công tác phòng chống HIV/AIDS và bản thân người bệnh gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, những lo lắng đó có thể được giải tỏa nếu người nhiễm HIV tham gia BHYT. 

 

Theo báo cáo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS về thực trạng tiếp cận BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS, hiện nay tỷ lệ người nhiễm HIV có thẻ BHYT còn thấp, khoảng 40%. Nguyên nhân là do người nhiễm HIV/AIDS thường gặp khó khăn về kinh tế, không tiền mua thẻ BHYT. Ngoài ra, nhiều người nhiễm HIV sống lang thang, không có nơi cư trú ổn định nên không được thụ hưởng chính sách hỗ trợ BHYT. Thêm vào đó, bản thân người nhiễm HIV/AIDS có tâm lý lo sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử nên không muốn cung cấp thông tin để tham gia BHYT.

 

Hiện, trên cả nước có 349 điểm điều trị cho người nhiễm HIV bằng thuốc ARV, trong đó, 234 điểm điều trị thuộc các bệnh viện tỉnh, huyện nên đủ điều kiện ký hợp đồng với cơ quan BHYT. Còn lại 115 điểm ở các trung tâm phòng, chống HIV của tỉnh và trung tâm dự phòng huyện chưa đủ điều kiện ký hợp đồng với BHYT.

 

Để chuẩn bị cho việc triển khai khám, chữa bệnh HIV/AIDS qua BHYT, ngày 15/11/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2188/QĐ-TTg về thanh toán thuốc ARV và hỗ trợ người sử dụng thuốc ARV từ nguồn BHYT. Quyết định có thể coi là giải pháp ứng phó kịp thời với tình trạng nguồn viện trợ thuốc ARV bị cắt giảm bắt đầu từ năm 2017.

 

Quyết định cũng quy định: Các địa phương tùy vào vào khả năng ngân sách để tính toán hỗ trợ chi phí cùng chi trả đối với thuốc kháng virus HIV cho người nhiễm HIV/AIDS có thẻ BHYT thông qua Quỹ khám chữa bệnh người nghèo, Quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV; các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT có điều trị thuốc kháng virus HIV cho người nhiễm HIV sử dụng các nguồn quỹ khác (nếu có) của đơn vị theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 16/2015 ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập để hỗ trợ phần cùng chi trả thuốc kháng virus HIV cho người nhiễm HIV. Đặc biệt, Quyết định quy định trách nhiệm của UBND tỉnh, thành phố bố trí kinh phí mua thẻ BHYT cho 100% người nhiễm HIV.

 

Để nhanh chóng triển khai Quyết định số 2188, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) và Sở Y tế các tỉnh, thành phố trong cả nước khẩn trương kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS nhằm bảo đảm đủ điều kiện tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS và ký hợp đồng cung cấp dịch vụ điều trị HIV/AIDS với các cơ quan BHYT tại địa phương. Đồng thời, các địa phương tăng cường tỷ lệ bao phủ BHYT đối với người nhiễm HIV.

 

Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng hướng dẫn về mua sắm, đấu thầu và thanh toán thuốc ARV sử dụng nguồn BHYT. Xây dựng văn bản hướng dẫn các địa phương hỗ trợ người nhiễm HIV tham gia BHYT theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT.

 

 

Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tăng cường tuyên truyền, cung cấp thông tin cho người bệnh, gia đình, cộng đồng về tầm quan trọng, cách thức tham gia và quyền lợi khi tham gia BHYT đối với người nhiễm HIV/AIDS; chỉ đạo, triển khai chống kỳ thị, phân biệt đối xử tại các cơ sở khám chữa bệnh để người nhiễm HIV yên tâm đến điều trị.

MP
(Theo Cục phòng chống HIV/AIDS)
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: