Nguy cơ lây nhiễm HIV từ tình dục đồng giới nam

Cập nhật: Thứ sáu 21/10/2016 - 10:25
 Hiện nay, tỷ lệ nhiễm HIV đối với nhóm MSM trên địa bàn tỉnh là 2,8%. Trong ảnh: Kỹ thuật viên  Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh làm xét nghiệm chuẩn đoán HIV trên mẫu máu của nhóm MSM nghi nhiễm HIV.
Hiện nay, tỷ lệ nhiễm HIV đối với nhóm MSM trên địa bàn tỉnh là 2,8%. Trong ảnh: Kỹ thuật viên Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh làm xét nghiệm chuẩn đoán HIV trên mẫu máu của nhóm MSM nghi nhiễm HIV.

Với hành vi quan hệ tình dục qua đường miệng, hậu môn, nguy cơ lây nhiễm trong nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam thường rất cao. Những nghiên cứu trong cộng đồng được Cục phòng, chống HIV/AIDS đưa ra mới đây cho thấy, nhóm này có nguy cơ lây nhiễm HIV cao gấp 19 lần so với bình thường.

MSM có nguy cơ cao lây nhiễm HIV

 

Về số lượng người đồng tính ở Việt Nam, hiện nay chưa có con số thực sự chính xác vì chưa có một cuộc thống kê chính thức mang tính quy mô và toàn diện được tổ chức. Một nghiên cứu do tổ chức phi chính phủ CARE thực hiện ước tính Việt Nam có khoảng 50-125 nghìn người đồng tính, chiếm khoảng 0,06-0,15% dân số. Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE), Việt Nam hiện đang có khoảng gần 2% dân số tương đương 1,6 triệu người đồng tính, song tính và chuyển giới ở độ tuổi 15-59. Theo báo cáo từ tổ chức WHO của Liên hợp quốc thì khoảng 3% dân số có thiên hướng tình dục đồng tính, nếu lấy tỷ lệ này áp dụng cho Thái Nguyên thì hiện nay cả tỉnh có khoảng gần 30 nghìn người đồng tính.

Quan hệ tình dục đồng giới nam là xu hướng tình dục giữa hai người cùng giới nam, mối quan hệ tình dục này thường được viết tắt là MSM (Men who have sex with men). Khác với tình dục khác giới, MSM quan hệ tình dục thông qua miệng, hậu môn hoặc là tự kích thích dương vật. Đây là một xu hướng và là hành vi tình dục có từ lâu đời, có mặt ở nhiều quốc gia và nhiều nền văn hóa; có mặt ở mọi tầng lớp và ở mọi nghề nghiệp.

 

Theo thông tin từ Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng - một tổ chức phi lợi nhuận, phi chính phủ, thành lập bởi Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam, cộng đồng MSM tại Thái Nguyên được hình thành từ cách đây gần 10 năm với một nhóm nhỏ sinh hoạt trong mạng lưới MSM miền Bắc được thành lập với sự hỗ trợ kỹ thuật một số tổ chức phi chính phủ. Tính đến nay, theo số liệu thống kê sơ bộ thông qua các tình nguyện viên từ một số tổ chức quốc tế, toàn tỉnh có hàng nghìn MSM ở nhiều lứa tuổi khác nhau trong đó, chiếm phần đa là những người trẻ trong độ tuổi thanh niên.

 

Theo bác sĩ Lê Ái Kim Anh, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh: Đối với lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh, MSM là nhóm có nguy cơ cao mới được tiếp cận, nghiên cứu. Đa số các MSM, quan hệ tình dục với nhau qua đường sinh dục - hậu môn. Cách quan hệ này nếu không có chất bôi trơn và bao cao su sẽ dễ gây trầy, xước và trở thành con đường cho HIV lây truyền giữa các MSM. Bên cạnh đó, MSM không chỉ gói gọn quan hệ tình dục trong cộng đồng riêng của họ, mà còn có tác động với cộng đồng chung bởi nhiều MSM vẫn có vợ, bạn tình là nữ. Điều này dẫn tới nguy cơ lây truyền HIV của cộng đồng MSM là rất cao.

 

Trao đổi với chúng tôi, N.V.H, thường trú tại phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên) - một MSM và là tình nguyện viên nòng cốt tham gia Dự án thành phần VUSTA (Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS) phát bao cao su và chất bôi trơn miễn phí cho MSM ở Thái Nguyên cho biết: Nguy cơ lây truyền HIV trong nhóm MSM thường rất cao một phần là do hiểu biết về HIV/AIDS của nhiều MSM còn hạn chế dẫn tới thái độ chủ quan không sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục. Nhiều MSM mặc dù hiểu biết về nguy cơ lây truyền nhưng lo sợ người quen phát hiện nên không thường xuyên mang theo bên người bao cao su, chất bôi trơn. Khi tình cờ gặp bạn tình, đã liều lĩnh quan hệ tình dục mà không có biện pháp an toàn. Bên cạnh đó, thói quen sinh hoạt tình dục với nhiều bạn tình, thay đổi bạn tình thường xuyên, dễ dãi trong quan hệ tình dục khiến cho nguy cơ lây truyền giữa các nhóm MSM khác nhau là rất cao.

 

Cần giảm thiểu kỳ thị

 

Được biết, nhóm của N.V.H gồm 20 tình nguyện viên nòng cốt hoạt động gần 3 năm nay với nhiệm vụ chính là thực hiện các chương trình truyền thông, hỗ trợ MSM dự phòng lây truyền HIV. Trung bình, mỗi năm, các thành viên tiếp cận và hỗ trợ cho gần 1 nghìn lượt MSM về các biện pháp dự phòng lây truyền HIV. Theo anh N.V.H, với đặc thù là trung tâm giáo dục chuyên nghiệp lớn của cả nước, lượng MSM tại Thái Nguyên luôn biến động. Vào đầu các năm học, số lượng MSM trên địa bàn lại tăng mạnh và con số này cũng giảm vào cuối những năm học. Thực tế này gây khó khăn không nhỏ cho đội ngũ tình nguyện viên trong việc tiếp cận MSM thực hiện truyền thông dự phòng lây nhiễm và phát bao cao su, chất bôi trơn. Bên cạnh đó, hiện nay, cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới nói chung ở Thái Nguyên còn bị kỳ thị, phân biệt đối xử khá nặng nề. Chính vì vậy, đa phần các nhóm đều hoạt động kín và rất ít khi hiện diện.

 

Cùng quan điểm với N.V.H, bác sĩ Lê Ái Kim Anh cho rằng chính sự kỳ thị và phân biệt đối xử đã tác động nhiều đến khả năng tiếp cận và chọn lựa sử dụng dịch vụ y tế của các nhóm MSM. Phần đông MSM cảm thấy ái ngại, nhiều khi là cảm giác sợ khi phải đến các cơ sở y tế. Trong khi nhu cầu được chăm sóc y tế của nhóm người này lại khá cao. Theo bác sĩ Kim Anh, thông qua Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã triển khai Dự án tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng cho nhóm MSM tại Thái Nguyên. Qua hơn 1 năm triển khai, các tình nguyện viên đã thực hiện xét nghiệm 120 MSM tại cộng đồng. Ngoài ra, trên 200 MSM khác cũng được vận động đến xét nghiệm HIV tại Trung tâm. Với 320 kết quả xét nghiệm đã phát hiện tỷ lệ nhiễm HIV đối với nhóm MSM này là 2,8%.

 

Theo bác sĩ Kim Anh, để giảm nguy cơ lây truyền HIV trong cộng đồng MSM thì mục tiêu quan trọng nhất là giảm sự kỳ thị trong cộng đồng đối với MSM. Để làm được việc này thì biện pháp đầu tiên là phải đẩy mạng công tác truyền thông. Truyền thông để nâng cao nhận thức của MSM về nguy cơ và biện pháp phòng chống lây nhiễm HIV; truyền thông để cộng đồng xã hội hiểu, giảm sự kỳ thị, phân biệt đối xử đối với cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới. Bên cạnh đó, cần hướng dẫn, hỗ trợ cộng đồng MSM tiếp cận với các dịch vụ y tế đặc biệt là các dịch vụ xét nghiệm HIV, dịch vụ cung ứng bao cao sau, chất bôi trơn. Cũng theo bác sĩ Kim Anh, nên khuyến khích các câu lạc bộ, nhóm MSM sinh hoạt thường xuyên bởi hầu hết MSM trong cộng đồng đều là học sinh, sinh viên và nhóm người có kiến thức cao nên việc sinh hoạt theo nhóm, chia sẻ kiến thức giữa các thành viên và dự phòng lây truyền HIV/AIDS là rất hiệu quả. Thực hiện tốt các giải pháp trên sẽ giúp cộng đồng MSM nói riêng và xã hội nói chung giảm thiểu được nguy cơ lây truyền HIV ra cộng đồng xã hội.

Hoàng Hưng
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: