Nhà ở cho công nhân tại khu công nghiệp: Bài toán nan giải
Khu trọ của gia đình ông Dương Văn Đại, xóm Trung 2, xã Điềm Thụy (Phú Bình) có 80 phòng, thường xuyên đông công nhân thuê ở. |
Trước sự phát triển nhanh của các khu công nghiệp (KCN), thời gian qua, Thái Nguyên đã thu hút một lượng lớn người lao động (NLĐ) từ các tỉnh, thành đến làm việc, sinh sống. Nguồn lao động dồi dào đã góp phần tích cực vào sự phát triển của các doanh nghiệp (DN). Thế nhưng, có một thực tế là nhiều NLĐ lại chưa thể tiếp cận được với nhà ở chất lượng để đảm bảo cuộc sống và yên tâm gắn bó lâu dài với các KCN.
Kỳ 1: Nghịch lý thiếu - thừa
“Có cầu ắt có cung”, thời gian qua, những nhà trọ tự phát đã mọc lên ồ ạt để giải quyết chỗ ở cho NLĐ tại các KCN. Tuy nhiên, chất lượng của nhiều nhà trọ lại chưa được đảm bảo. Trong khi đó, các dự án nhà ở công nhân (NƠCN) do DN làm chủ đầu tư đáp ứng các tiêu chí về giá, dịch vụ tiện ích lại khan hiếm. Điều này tạo nên nghịch lý thiếu - thừa nhà ở cho NLĐ tại các KCN hiện nay.
Nhan nhản nhà trọ kém chất lượng
Các xóm Bình 1, Trung 2, Trung 3 của xã Điềm Thụy (Phú Bình) lâu nay được gọi là “làng công nhân” vì có gần 10.000 phòng trọ cho công nhân thuê sinh sống và làm việc tại KCN Điềm Thụy. Đi theo trục đường chính của xóm Bình 1, chúng tôi thấy có hàng chục dãy nhà trọ của người dân ở hai bên đường. Trong các ngõ, ngách nằm cách KCN chỉ khoảng chục mét cũng có tới hàng trăm dãy nhà trọ lớn nhỏ mọc lên san sát, có cả những nhà trọ đang được xây dựng mới. Dãy nhà trọ của ông Trần Văn Tuấn nằm cách KCN khoảng 500m lúc nào cũng đông công nhân thuê ở. Ông Tuấn cho biết: Hiện, gia đình có 30 phòng trọ và đã kín chỗ. Tham quan phòng trọ của nhà ông Tuấn, chúng tôi thấy toàn bộ là nhà cấp bốn xây tường 10cm. Lối đi giữa các dãy trọ thường chỉ rộng khoảng 1,5m nhưng sâu hơn 30m, được công nhân tận dụng làm nơi để xe máy, rác sinh hoạt, phơi quần áo thậm chí nấu nướng.
Ông Trần Văn Long, Phó Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên: Ban quản lý các KCN đã lập quy hoạch các dự án khu tái định cư và NƠCN cho KCN Điềm Thụy (diện tích 36ha) và Sông Công II (diện tích 26ha). Tuy nhiên, NƠCN vẫn chưa được đầu tư xây dựng bởi chưa thu hút được nhà đầu tư. |
Chị Lâm Thị Hạnh, công nhân Công ty TNHH Khvatec HaNoi (KCN Điềm Thụy): Chưa bố trí được chỗ ở, nên Công ty đã hỗ trợ tiền phụ cấp sinh hoạt cho NLĐ từ 400-500 nghìn đồng/NLĐ/tháng (gồm tiền phương tiện đi lại, chỗ ở). |
Tại một dãy nhà trọ khác của ông Dương Văn Đại, ở xóm Trung 2, mặc dù mới được xây từ năm ngoái và có quy mô lớn với khoảng 80 phòng trọ song cũng được xây dựng rất sơ sài. Mỗi phòng trọ thường chỉ có một cửa sổ nhỏ nên thường không có chấn song và đảm bảo ánh sáng chung cho cả phòng. Còn bên trong chỉ rộng tầm 13m2, bao gồm cả nhà vệ sinh và bếp nấu nướng. Vì thế, mỗi phòng thường chỉ kê thêm một chiếc giường, tủ đựng quần áo và vài vật dụng cá nhân nhỏ để chừa lại lối đi. Ông Dương Văn Đại giải thích: Do kinh phí đầu tư có hạn cùng với muốn tận dụng tối đa diện tích đất để xây nên các phòng trọ thường thiết kế chỉ rộng từ 10-13m2.
Còn tại KCN Yên Bình (T.X Phổ Yên), nơi có phần lớn công nhân của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (viết tắt là Công ty Samsung) và phụ trợ cho Công ty Samsung làm việc, hiện nay, vẫn còn một lượng lớn NLĐ thuê trọ bên ngoài. Ông Dương Văn Hiến, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng (T.X Phổ Yên) giải thích: Từ khi Công ty Samsung đầu tư vào địa phương, không ít nhà trọ tạm bợ nhanh chóng được mọc lên để kiếm lợi nhuận. Vì thế, các phòng trọ này đã xuống cấp nhanh chỉ trong một thời gian ngắn.
Theo thống kê chưa đầy đủ hiện nay, tại các KCN trong tỉnh có khoảng 20.500 các phòng trọ do người dân tự xây dựng. Mặc dù đáp ứng đủ về số lượng nhưng qua khảo sát sơ bộ của chúng tôi, đa phần phòng trọ chưa đảm bảo về chất lượng theo tiêu chuẩn xây dựng của Bộ Xây dựng.
Trong khi nhiều NLĐ phải sống chật vật trong các phòng trọ kém chất lượng hoặc đã xuống cấp thì tại các KCN vẫn chưa có nhiều dự án NƠCN do DN làm chủ đầu tư để thực hiện xây dựng các phòng trọ đảm bảo theo quy định của Bộ Xây dựng. Tính đến thời điểm này, toàn KCN mới chỉ có 2 dự án NƠCN được đầu tư và đưa vào sử dụng. Đó là Dự án NƠCN của Công ty Samsung (KCN Yên Bình) và Nhà máy may TNG Chi nhánh Sông Công (KCN Sông Công I). Qua tìm hiểu tại 2 dự án này, chúng tôi thấy, NLĐ sống tại đây không chỉ được ở trong các phòng có chất lượng tốt mà giá thuê còn rẻ hơn rất nhiều so với bên ngoài.
Dự án NƠCN của Công ty Samsung đang được đánh giá là tốt và hiện đại nhất trong các KCN hiện nay. Đây là mô hình khép kín từ dãy phòng ngủ đảm bảo chất lượng đến dịch vụ phục vụ nhu cầu vui chơi, mua sắm cho NLĐ như phòng đọc sách, xem ti vi, căng tin, siêu thị và rạp chiếu phim… Bên cạnh đó, mỗi tòa nhà còn được thiết kế rất khoa học, trang trí đẹp mắt và có nhiều khuôn viên xanh- sạch - đẹp. Anh Trần Việt Hưng, Trưởng phòng Truyền thông của Công ty Samsung Việt Nam giới thiệu: Dự án NƠCN tại KCN Yên Bình có 26 tòa nhà ký túc xá và 2 tòa nhà phúc lợi. Mỗi phòng ngủ có diện tích từ 20-30m2 cho từ 6-8 NLĐ ở. Đặc biệt, NLĐ được sử dụng điều hòa, bình nóng lạnh thoải mái nhưng chỉ cần nộp 50 nghìn đồng/tháng. Hiện nay, dự án này mới chỉ đáp ứng được chỗ ở cho hơn 18.000 NLĐ của Công ty Samsung. Tương tự đối với Dự án NƠCN của Nhà máy may TNG Chi nhánh Sông Công, hiện có 125 phòng và đáp ứng chỗ ở cho khoảng 500 NLĐ. Mỗi phòng ở đây có diện trung bình khoảng 25m2 dành cho từ 4-6 NLĐ, mức giá thuê từ 50-100 nghìn đồng/người/phòng. Đặc biệt, Công ty còn tạo điều kiện cho người nhà của công nhân lên sống cùng để yên tâm làm việc. Ông Nguyễn Đức Hiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG cho biết: Công ty đã bố trí riêng 5 phòng trong khu nhà ở của NLĐ để mời giáo viên mầm non của T.P Sông Công tổ chức trông khoảng 70 cháu nhỏ là con của chính công nhân đang thuê trọ. Vì thế, nhà ở này rất phù hợp với những NLĐ đã có gia đình.
Mặc dù các NƠCN nói trên đảm bảo về chất lượng nhưng lại đang thiếu về số lượng. Bởi cả 2 dự án NƠCN nói trên chỉ mới giải quyết được chỗ ở cho khoảng 18.500 NLĐ. Như vậy, con số này mới chỉ đáp ứng được khoảng hơn ½ số NLĐ có nhu cầu thực sự về nhà ở tại các KCN. Trước sự khan hiếm đó cùng tình trạng rộ lên của các nhà trọ tự phát do người dân xây dựng đã khiến NLĐ bất đắc dĩ phải lựa chọn sống trong những phòng trọ kém chất lượng thời gian qua.
Nỗi lòng của người lao động
Giữa trưa hè nóng 40 độ C, tiếp chúng tôi trong căn phòng trọ lợp proximang đang phả hơi nóng hầm hập, chị Hường công nhân thuê trọ gần KCN Điềm Thụy uể oải nói: Trời nóng như hôm nay, vào buổi trưa chúng em không tài nào nào ngủ được còn buổi tối thì cũng chỉ chợp mắt vài tiếng. Để lắp điều hòa trong phòng thì em chưa đủ điều kiện. Còn anh Triệu Văn Tuấn đang thuê trọ tại KCN Sông Công I thì tâm sự: Để tiết kiệm chi phí chúng em thường ở ghép 2-3 người/phòng. Diện tích hẹp lại đông người nên việc sắp xếp đồ cá nhân trong phòng còn bất tiện chứ chưa nói đến sinh hoạt chung. Còn với những công nhân đã có gia đình như anh Nguyễn Văn Sang đang ở trọ tại KCN Nam Phổ Yên thì cho hay: Hai vợ chồng ở một phòng trọ đã thấy chật chội nên tôi không dám đưa con nhỏ lên sống cùng, chưa kể việc đưa đón con cái học hành, trông nom khi ở trọ cũng còn rất bất tiện hơn so với ở cùng gia đình.
Trước khó khăn này, tâm lý chung của phần đông NLĐ là mong muốn được tiếp cận với NƠCN do các doanh nghiệp đầu tư. Anh Lê Đức An, công nhân tại KCN Yên Bình (T.X Phổ Yên) bộc bạch: Chúng tôi mong được sống trong NƠCN như của Công ty Samsung bởi giá vừa rẻ lại được hưởng các dịch vụ vui chơi giải trí. Còn chị Hoàng Khánh Ly làm việc tại KCN Điềm Thụy mong muốn: Ngoài chất lượng đảm bảo, chúng tôi cũng mong muốn NƠCN có thể bố trí những căn hộ gia đình và có dịch vụ gửi trông trẻ ngoài giờ để công nhân có thể yên tâm làm việc. Đối với chị Trần Thị Loan, quê tỉnh Bắc Giang và đang làm việc cho Nhà máy may TNG Chi nhánh T.P Sông Công cho biết: Mặc dù, thời gian qua, Công ty cũng đã tạo điều kiện bố trí xe ô tô đưa đón công nhân ở xa đi làm, tuy nhiên, tôi vẫn mong muốn trong thời gian tới sẽ có nhiều DN đầu tư xây dựng các dự án NƠCN tại đây để chúng tôi có thể thuê ở.
Có thể thấy rằng, NLĐ hiện đang rất cần nhà ở có chất lượng để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, có một nghịch lý là trong khi một số dự án NƠCN đã được tỉnh chấp thuận đầu tư nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động. Vậy những khó khăn nào khiến các dự án này vẫn chưa thể triển khai dẫn đến tình trạng khan hiếm NƠCN (?!). Đó là những vấn đề cần sớm được hồi đáp.
(còn tiếp)