Những bông hồng sau bão
Tủi hổ, đau đớn, dòng nước mắt chảy dài uất nghẹn vì biết mình mang căn bệnh HIV. Khi đó, nhiều chị em bị rơi vào tâm trạng hoảng loạn, hoang mang, nghĩ đến việc giải thoát cuộc đời bằng cách tự vẫn. Nhưng tình yêu thương của con người thân dành cho, làm cơn bão lòng lắng lại, giúp những phụ nữ có HIV lấy lại niềm tin, gượng dậy để sống tốt hơn với cuộc đời. Vì thế, nhiều người trong xã hội ví họ như những bông hồng sau bão.
Chị Hà Phương Dung, thành viên Câu lạc bộ Hoa Hướng Dương tâm sự: Trước lúc phát hiện mình có HIV, mọi chuyện buồn được bưng kín. Rồi khi cái ung nhọt ấy bục vỡ, thì gia đình nhà chồng, bè bạn mới dám nói cho em biết hết sự thật về người chồng em hằng tin tưởng. Thấy em bất mãn, chồng em cũng bất cần bỏ nhà đi bụi. Nhìn cảnh nhà vắng vẻ, con nhỏ dại, ngơ ngác, em chợt tỉnh u mê, tự khuyên mình phải quên đi nỗi đau để chèo chống, gìn giữ mái ấm gia đình.
Có mặt ở đó, chị Trần Thị Thơ góp chuyện: Đời vẫn nói rằng: “mỗi người phụ nữ là một bông hoa”. Nhưng những phụ nữ bị “dính” HIV thì khác nào bông hoa gặp giông bão, bị vùi dập đến tả tơi. Kệ tiếng đời. Đã là hoa thì còn một cánh, một nhụy cũng nguyện dâng cho đời hương thơm. Còn làm người phụ nữ, dù có HIV cũng giữ tiết “Trung trinh liệt nữ”… Từng câu, từng lời chị nói khẳng khái làm không khí câu chuyện mất đi nỗi ngột ngạt giống tiết trời sắp bão. Chị có kết quả xét nghiệm dương tính với HIV từ 17 năm nay. Con gái chị vừa đầy đặn 19 tuổi, tham gia cuộc thi Người đẹp xứ trà năm 2017. Dù không vào đến vòng chung khảo, nhưng chị luôn tự hào về con gái. Chị khoe: Cháu đang theo học năm thứ hai ở Đại học Thái Nguyên. Cháu ngoan, chăm học, giỏi giang hơn mẹ rất nhiều.
Một câu chuyện đời có hậu. Tôi bảo với chị Thơ như thế rồi nhẩn nha với cốc cà phê đen, đắng. Và liên tưởng đến những thiên tai, bão, lũ sao nhiều thế. Chỉ như năm 2017 này, bão lũ vừa dội xuống các tỉnh phía Bắc, lại liên tiếp đổ xuống các tỉnh miền Trung và các tỉnh phía Nam. Còn căn bệnh HIV không đến mức lan tràn như bão, như lũ, nhưng lặng lẽ như vết dầu loang trong cộng đồng xã hội. Theo số liệu tổng hợp của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Thái Nguyên: Bệnh nhân HIV đầu tiên được phát hiện vào tháng 7-1996, tại huyện Phú Lương, đó là 1 nam giới, do đi làm vàng, có tiêm chích ma túy. Chỉ sau gần 5 năm, lũy tích số người có HIV lên 342 trường hợp, trong đó 114 trường hợp chuyển giai đoạn AIDS; 23 trường hợp đã tử vong.
Chuyện buồn trôi đi nhưng tiếng đời ở lại với người đang sống. Dù các cơ quan chức năng của tỉnh không ngừng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền; nhiều dự án phòng chống HIV/AIDS trong, ngoài nước được triển khai, những câu lạc bộ phòng, chống HIV/AIDS được thành lập; thành viên nhóm Giáo dục đồng đẳng mang bơm kim tiêm phát tận tay người nghiện, nhưng căn bệnh HIV vẫn phát tán mạnh trong cộng đồng. Từ 342 trường hợp nhiễm HIV năm 2001, tăng lên gần 10.000 trường hợp năm 2017 và hơn 3.300 người đã chết vì căn bệnh này.
Căn bệnh HIV đã làm đảo lộn cuộc sống của bao mái ấm gia đình. Đau đớn hơn cả phải kể đến những phụ nữ thủy chung, không may lấy phải người chồng nghiện ma túy, hoặc ham vui với với gái mại dâm, về đổ bệnh cho vợ. Chị Hoàng Thị Thúy, phường Tân Lập (T.P Thái Nguyên) kể: Sau khi biết mình bị lây nhiễm HIV, tôi rất tủi thân, liên tục tìm cách tự sát, nhưng không chết vì được người thân cứu chữa kịp thời. Đau đớn hơn là lúc đó chồng tôi không chỉ công khai tiêm chích ma túy, mà còn rủ thêm bạn nghiện về nhà, đàn đúm chích hít thâu đêm. Nhà đã khó khăn lại càng thêm túng thiếu. Anh hằn học, luôn miệng nói đòi trả thù đời, nhưng không biết phải trả thù đời như thế nào. Thương chồng, thương con, tôi nai lưng làm lụng, đồng thời khuyên chồng vượt lên mặc cảm, thương vợ, vì con mà sống, không dấn sâu thêm vào con đường bại hoại nhân cách. Hai năm sau anh ấy chết. Tiễn đưa anh ra đồng chỉ có mấy người bạn nghiện ma túy.
Chị xa xót kể lại câu chuyện này cho tôi nghe. Rồi như bừng tỉnh giấc mộng buồn, chị nghiêng mình trước gương làm điệu, hỏi vô tư: Chú thấy chị có đẹp không? Nhìn thế này liệu có ai biết chị bị HIV không? Tôi biết chị đã có người yêu mới, nên lảng tránh câu trả lời trực diện, hỏi lại: Chị sử dụng phương pháp phòng, tránh HIV nào? Chị mỉm cười soi lại mình trong gương. Chị thở dài khi thấy trên mặt xuất hiện một vài vết nám. Rồi chị bảo: Chú yên tâm, chị là người phải chịu đựng rất nhiều đau đớn thể xác, tâm hồn vì căn bệnh HIV. Nó nghiệt ngã xô đẩy chị vào cùng cực. Vì thế không bao giờ chị muốn trên đời lại có thêm một người nữa bị lây nhiễm căn bệnh thế giới chưa tìm được thuốc chữa.
Chị với tay lấy thuốc ARV và một cốc nước. Chị luôn uống thuốc đúng giờ mỗi ngày. Nhìn chị vô tư, hồn nhiên, lạc quan yêu cuộc đời, tôi buột miệng nói vui: Các chị giống như những bông hồng sau giông bão. Dù còn một nhành tươi vẫn dâng hiến cho cuộc đời hương thơm.
(Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi)