Những giải pháp hữu hiệu ngăn chặn xuất cảnh trái phép
Cán bộ đến các gia đình có con em trong độ tuổi lao động để tuyên truyền về việc không xuất cảnh trái phép. |
Mặc dù từng là địa phương có nhiều lao động xuất cảnh trái phép nhất trên địa bàn tỉnh nhưng nhờ có những giải pháp hữu hiệu, mang tính lâu dài, huyện Đồng Hỷ đã từng bước giải quyết được vấn đề này. Trong 2 năm qua, số lao động xuất cảnh trái phép, chủ yếu sang Trung Quốc, trên địa bàn ngày càng giảm.
Từ những năm 2020 trở về trước, trung bình mỗi năm trên địa bàn huyện có gần 100 trường hợp xuất cảnh trái phép bị cơ quan chức năng Trung Quốc bắt, trao trả và hàng nghìn trường hợp người dân vắng mặt ở địa phương trong thời gian dài, nghi là xuất cảnh trái phép.
Có nhiều nguyên nhân người dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động, nhưng chủ yếu là do hiểu biết còn hạn chế, không có trình độ tay nghề, khó tìm việc trong nước...
Tuy nhiên, việc này lại tiềm ẩn nhiều rủi ro, hệ lụy mà người lao động phải gánh chịu như: không được pháp luật bảo hộ; bị nhốt, bắt và trục xuất về nước; nhiều trường hợp còn không được trả tiền công và không được bất cứ quyền lợi gì khi bị tai nạn. Qua đó ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý dân cư, an ninh trật tự trên địa bàn.
Thực trạng trên đòi hỏi ngành chức năng và chính quyền các xã, thị trấn trên địa bàn huyện cần phải có những giải pháp hữu hiệu nhằm quản lý, ngăn chặn người lao động xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê.
Trung tá Đinh Thanh Cường, Đội trưởng Đội An ninh, Công an huyện Đồng Hỷ, cho biết: Song song với công tác đấu tranh, triệt phá những trường hợp đưa người xuất cảnh trái phép ra nước ngoài, Công an huyện đã tham mưu cho UBND huyện có những văn bản khuyến cáo người dân không đi lao động trái phép; chỉ đạo công an các xã, thị trấn nắm bắt, thống kê, kiểm tra những trường hợp vắng mặt tại địa phương trong thời gian dài, đặc biệt là vào những thời điểm nông nhàn…
Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, các xã, thị trấn còn tích cực triển khai các mô hình kinh tế; tạo điều kiện để thu hút đầu tư, phát triển các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; giúp người lao động có việc làm phù hợp.
Ông Nguyễn Xuân Hiền, Chủ tịch UBND xã Văn Hán, cho biết: Thực tế cho thấy hầu hết lao động xuất cảnh trái phép xuất phát từ điều kiện kinh tế khó khăn, muốn tìm kiếm việc làm thời vụ lúc nông nhàn. Do vậy, hằng năm xã đã tích phối hợp với các phòng chức năng của huyện mở lớp đào tạo nghề sơ cấp, nghề thường xuyên cho người dân để họ có kiến thức đầu tư sản xuất ngay tại gia đình; vận động bà con đi làm tại các công ty may, xưởng sản xuất lâm sản trong và ngoài xã; tổ chức các buổi tư vấn, giới thiệu việc làm ngay tại địa phương... Nhờ đó, trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn xã không có người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động (từ năm 2020 trở về trước, mỗi năm trên địa có khoảng 400-500 lao động nghi xuất cảnh trái phép).
Ông Khúc Văn Pha, một người dân ở xóm Vân Hòa, xã Văn Hán, cho hay: Gia đình tôi có 2 cháu sinh năm 1989 và 1991. Sau khi dịch COVID-19 trong nước được kiểm soát, chưa kiếm được việc làm ngay và bạn bè rủ đi xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động, nhưng được cán bộ xã, xóm đến nhà tuyên truyền, giải thích, các cháu đã bỏ ý định đó. Hiện, 2 cháu đang làm công nhân tại Khu công nghiệp Điềm Thụy và có thu nhập ổn định.
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, số lao động xuất cảnh trái phép trên địa bàn huyện đã giảm dần. Cụ thể, số người nghi đi lao động bất hợp pháp năm 2020 là 470 trường hợp; năm 2021 là 367 trường hợp; 6 đầu năm nay là 273 trường hợp, đây đa phần là những trường hợp trở về gia đình sau thời gian dài không có mặt tại địa phương từ những năm trước.