Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác cho thanh niên
Cán bộ Huyện đoàn Định Hóa và Đoàn Thanh niên xã Bộc Nhiêu đến thăm mô hình sản xuất có sử dụng vốn vay chính sách của thanh niên. |
Thời gian qua, Huyện đoàn Định Hoá đã làm tốt công tác ủy thác cho vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), tạo điều kiện cho đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) vay vốn giải quyết việc làm, phát triển kinh tế. Từ nguồn vốn vay ưu đãi này, nhiều đoàn viên trên địa bàn có thêm điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, sử dụng đồng vốn đúng mục đích, làm ăn có hiệu quả và vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Đoàn Thanh niên xã Kim Phượng có 8 tổ tiết kiệm và vay vốn, với 210 hộ được vay nguồn vốn chính sách, tổng vốn ủy thác trên 8 tỷ đồng. Chị Nguyễn Thị Mơ, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Kim Phượng, cho biết: Khi được vay nguồn vốn chính sách, các hộ gia đình ĐVTN đã sử dụng đúng mục đích để phát triển kinh tế, đem lại thu nhập ổn định. Sau khoảng 2-3 năm vay vốn, nhiều gia đình đã thoát nghèo, cận nghèo. Hiện nay, trên địa bàn xã có nhiều ĐVTN vay vốn NHCSXH đã phát triển được các mô hình kinh tế cho thu nhập cao như: Chăn nuôi lợn, chăn nuôi gà, nuôi ong lấy mật, trồng rừng, mở xưởng cơ khí…
Còn anh Hoàng Văn Tùng, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Bộc Nhiêu, chia sẻ: Tổng dư nợ hiện tại do Đoàn xã quản lý là 9,8 tỷ đồng, không có nợ quá hạn. Chúng tôi thường xuyên tổ chức kiểm tra theo từng quý để nắm bắt tình hình các hộ sử dụng nguồn vốn và đồng thời theo dõi tình hình thanh niên phát triển kinh tế tại địa phương. Qua đó, nhiều thanh niên đã mạnh dạn vay và sử dụng, phát huy tốt nguồn vốn vay từ NHCSXH để vươn lên phát triển kinh tế.
Hiện nay, toàn huyện Định Hóa có 102 tổ tiết kiệm và vay vốn do đoàn Thanh niên các xã, thị trấn quản lý, với 2.617 lượt hộ vay và tổng dư nợ đạt trên 136 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ quá hạn chỉ chiếm 0,1%. Để quản lý số vốn vay ủy thác, đảm bảo sử dụng hiệu quả, không thất thoát, lãng phí, Huyện Đoàn thường xuyên phối hợp với NHCSXH chỉ đạo cán bộ đoàn quản lý chặt chẽ số hộ, đối tượng vay vốn và mục đích sử dụng nguồn vốn.
Việc cho vay ủy thác đã đáp ứng một phần nhu cầu về vốn của nhiều ĐVTN trong đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống gia đình. Đồng thời, thông qua hoạt động nhận ủy thác cho vay vốn của NHCSXH, cán bộ đoàn cũng nắm bắt sâu sát hơn tâm tư, nguyện vọng của thanh niên từ cơ sở. Thanh niên có nhu cầu vay vốn được tổ chức Đoàn tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ. Qua đó, tạo được sự gắn kết giữa tổ chức Đoàn với ĐVTN. Nhờ vậy, hầu hết những trường hợp được vay vốn ủy thác đều xây dựng mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện của từng địa phương như: Phát triển mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng quế… với mức thu nhập trung bình từ 80-100 triệu đồng/hộ/năm.
Ông Nguyễn Phúc Huệ, Phó Giám đốc NHCSXH huyện Định Hóa, đánh giá về nguồn vốn vay ủy thác do Đoàn thanh niên các cấp quản lý: Tính đến hết tháng 2-2022, tổng dư nợ do tổ chức Đoàn Thanh niên trên địa bàn huyện Định Hóa quản lý đạt trên 139 tỷ đồng, tăng 2,5 tỷ đồng so với đầu năm 2022. Được như vậy là do sự vào cuộc quyết liệt trong sự phối hợp giữa Huyện đoàn và NHCSXH trong thực hiện rà soát, cũng như thường xuyên kiểm tra giám sát nguồn vốn cho vay ủy thác. Các hộ được vay sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, góp phần giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Theo thống kê chuẩn nghèo đa chiều trong năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của toàn huyện Định Hóa là trên 17 %. Do vậy nhu cầu về vốn vay trong năm 2022 sẽ thay đổi để phát triển kinh tế, xây dựng nhà ở xã hội, đặc biệt đối với ĐVTN. Chị Đào Thị Thanh Tuyền, Bí thư Huyện đoàn Định Hoá, khẳng định: Trong thời gian tới, Huyện đoàn sẽ tiếp tục chỉ đạo đoàn Thanh niên các xã, thị trấn thực hiện tuyên truyền về các chính sách tín dụng ưu đãi, các chương trình tín dụng đối với hộ nghèo, cũng như các đối tượng chính sách khác; chỉ đạo kiểm tra đối với tổ tiết kiệm và vay vốn, các hộ gia đình vay vốn và vận động gửi tiết kiệm để góp phần làm tăng nguồn vốn ủy thác của địa phương. Qua đó, tăng cường hỗ trợ giúp thanh niên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để khởi nghiệp, lập nghiệp, phát triển kinh tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.