Phê duyệt chủ trương đầu tư dự án phòng chống HIV/AIDS
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án “Quỹ Toàn cầu phòng chống HIV/AIDS giai đoạn 2018 - 2020” do Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét (Quỹ Toàn cầu) tài trợ.
Mục tiêu của Dự án góp phần thực hiện mục tiêu Chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam, khống chế tỷ lệ lây nhiễm HIV trong quần thể dân cư nói chung dưới 0,3% và giảm tác động của HIV/AIDS đối với phát triển kinh tế, xã hội.
Kết quả chính của Dự án là các gói dịch vụ thiết yếu can thiệp dự phòng HIV tiếp tục được triển khai và mở rộng; các phương pháp xét nghiệm mới được triển khai mở rộng tại 32 tỉnh, thành phố. Phân cấp xét nghiệm khẳng định HIV được mở rộng đến tuyến huyện để tạo điều kiện chẩn đoán sớm hơn và kết nối với chăm sóc.
Điều trị ARV cho người lớn tại 32 tỉnh, thành phố có gánh nặng cao và trung bình và điều trị ARV cho trẻ em trên toàn quốc (khoảng 5.000 trẻ sơ sinh và trẻ em mỗi năm). Xét nghiệm CD4 cho bệnh nhân mới được thực hiện đến năm 2020. Xét nghiệm tải lượng virus được thực hiện thường quy. Việc sử dụng bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV và truyền thông về lợi ích của bảo hiểm y tế cho các khách hàng được tăng cường.
Phụ nữ mang thai ở các huyện có dịch HIV cao thuộc 32 tỉnh/thành phố được thực hiện xét nghiệm HIV. Tất cả phụ nữ mang thai được chẩn đoán nhiễm HIV trong quá trình chăm sóc thai nghén được kết nối đến OPC để được điều trị ARV lâu dài. Trẻ sơ sinh bị phơi nhiễm với HIV được chẩn đoán sớm.
Giám sát trọng điểm HIV kết hợp giám sát hành vi (HSS+) được triển khai nhằm cung cấp số liệu quan trọng trong lập kế hoạch ứng phó với HIV và theo dõi tác động của các can thiệp. Đánh giá nhanh, ước tính quy mô và lập bản đồ các điểm nóng của các nhóm đối tượng/quần thể chính được thực hiện.
Dự án được thực hiện tại các tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Điện Biên, An Giang, Sơn La, Cần Thơ, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bà Rịa - Vũng tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Nam Định, Nghệ An, Ninh Bình, Bắc Giang, Hải Dương, Thái Bình, Lai Châu, Yên Bái, Đồng Tháp, Khánh Hòa, Kiên Giang, Long An, Phú Thọ, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Tây Ninh, Bắc Ninh, Sóc Trăng, Cà Mau.
Bộ Y tế ký Cam kết viện trợ về Dự án nêu trên với Quỹ Toàn cầu và các bên liên quan; triển khai thực hiện Dự án theo đúng quy định, bảo đảm sử dụng viện trợ ODA hiệu quả, Dự án đạt mục tiêu đề ra.