Phụ nữ Nam Hòa giúp nhau vươn lên
Chị Lý Thị Ngọ (ngoài cùng bên trái), hội viên Hội LHPN xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) đã giúp gia đình thoát nghèo nhờ mô hình trồng hoa. |
Nhằm giúp đỡ các hội viên thoát nghèo, vươn lên làm giàu, những năm gần đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) đã tập trung thực hiện tốt việc xây dựng và nhân rộng các mô hình phụ nữ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống. Từ đó đóng góp tích cực vào Chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nam Hòa là xã có diện tích đất nông nghiệp lớn (với trên 1.300ha, trong đó diện tích trồng lúa trên 900ha). Xã có 2.592 hộ thì trên 70% là đồng bào dân tộc thiểu số (chủ yếu là dân tộc Sán Dìu). Những năm trước, do trình độ canh tác của nhân dân địa phương còn hạn chế, không đồng đều nên hiệu quả kinh tế từ sản xuất nông nghiệp còn thấp. Bà con cũng chưa có hướng đi cụ thể trong phát triển sản xuất để thoát nghèo bền vững.
Là tổ chức hội có nhiều thành viên nhất ở xã (với 24 chi hội, trên 2.000 hội viên), trong khoảng 5 năm trở lại đây, thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là liên kết các hội viên cùng giúp nhau phát triển kinh tế, Hội LHPN xã Nam Hòa đã giúp hàng trăm hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên thoát nghèo. Chị Trần Thị Thảo, Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết: Nhằm xây dựng các mô hình và hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế đạt hiệu quả, hằng năm, các chi hội đã tiến hành khảo sát về đời sống, nhu cầu của hội viên phụ nữ đối với việc phát triển kinh tế gia đình. Thông qua việc đánh giá, phân loại hộ, hội viên nghèo, Hội LHPN sẽ tìm hiểu nguyên nhân để có những biện pháp hỗ trợ phù hợp. Bên cạnh đó, Hội đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên tích cực tham gia các phong trào: “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”. Đặc biệt, chị em luôn tích cực tìm hiểu, nghiên cứu các mô hình sản xuất mới, các hướng đi phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Nhờ đó, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả cao, góp phần đắc lực vào sự phát triển kinh tế ở địa phương.
Một trong những mô hình hiệu quả đó là mô hình trồng hoa kết hợp với nuôi lợn của gia đình hội viên Lý Thị Ngọ, ở xóm Quang Trung. Chị Ngọ cho biết: Gia đình tôi thoát nghèo năm 2009, nhưng lại tái nghèo năm 2016 do chưa có vốn và hướng làm ăn. Đến năm 2016, nhờ có Hội LHPN xã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình tôi được vay vốn 50 triệu đồng để chăn 10 con lợn và trồng hoa. Chỉ sau hơn 1 năm, kinh tế gia đình tôi vực lên với thu nhập từ chăn nuôi và trồng hoa gần 50 triệu đồng trong năm đầu tiên. Từ nguồn thu nhập đó, gia đình tôi tiếp tục mua thêm đất để trồng nhiều loại hoa và mở rộng thêm chuồng trại. Hiện gia đình tôi có 2 sào hoa và 30 con lợn, đem về thu nhập gần 70 triệu đồng/năm. Nhờ đó, gia đình tôi đã ổn định kinh tế, thoát nghèo năm 2018.
Chúng tôi tiếp tục đến thăm mô hình nuôi gà của gia đình hội viên Trần Thị Nghĩa, ở xóm Na Quán. Không chỉ thoát nghèo, gia đình chị còn giúp gần 20 hội viên khác thoát nghèo, vươn lên làm giàu bằng cách cho vay vốn không lãi, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi gà, tìm đầu ra... Chị Nghĩa cho biết: Trước năm 2011, kinh tế gia đình tôi dựa vào 4 sào ruộng, công việc cày cấy chỉ đủ ăn, không có tích lũy. Gia đình cũng đã xoay đủ mọi hướng làm ăn mong vươn lên thoát khỏi đói nghèo. Cơ hội đã đến với gia đình tôi khi năm 2011, thông qua Hội LHPN xã tín chấp, gia đình tôi đã được vay 20 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội. Có vốn trong tay, gia đình tôi đầu tư nuôi 500 con vịt. Với lứa nuôi đầu tiên, gia đình tôi thu lãi trên 20 triệu đồng. Các lứa tiếp theo đều mang lại hiệu quả lớn. Đến năm 2012, đàn vịt của gia đình tôi đã lên tới 3.000 con. Khi vịt bắt đầu rớt giá, gia đình tôi chuyển sang nuôi gà. Hiện, mỗi năm gia đình tôi xuất ra thị trường khoảng 7.000 con gà, thu về khoảng 250 triệu đồng/năm.
Ngoài các mô hình trên, trong vài năm trở lại đây, Hội LHPN xã còn triển khai nhiều mô hình khác như: Mô hình gà đẻ trứng, trồng rau an toàn, trồng lúa Thiên ưu 8… Những mô hình kinh tế này đã phát huy hiệu quả kinh tế, tạo thu nhập ổn định cho nhiều hộ hội viên và đến nay đã giúp đỡ nhiều hội viên thoát nghèo bền vững.
Không chỉ triển khai thực hiện các mô hình kinh tế có hiệu quả, nhằm giúp chị em có điều kiện tham gia các mô hình, phát triển kinh tế gia đình, Hội còn đứng ra tín chấp cho hội viên vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư cho sản xuất. Trong 5 năm trở lại đây với số tiền quay vòng trên 20 tỷ đồng, đã có hàng nghìn lượt hội viên được vay nguồn vốn ưu đãi này. Cùng với đó, Hội cũng đã tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT cho 190 hội viên vay số tiền trên 20 tỷ đồng. Qua đó, đã khuyến khích chị em tích cực hơn trong việc nhân rộng các mô hình hiệu quả, ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương phụ nữ điển hình trong phát triển kinh tế.
Từ sự quan tâm, hỗ trợ của Hội, tỷ lệ hộ hội viên phụ nữ nghèo tại địa phương giảm xuống đáng kể qua các năm. Đến nay, xã còn 234 hội viên phụ nữ nghèo, giảm trên 400 hội viên nghèo so với năm 2014. Ngày càng có nhiều hộ phụ nữ làm chủ vươn lên làm giàu, xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm đầy đủ tiện nghi sinh hoạt và tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, đưa phong trào phụ nữ ngày càng triển khai sâu rộng và hiệu quả, đồng thời góp phần tích cực vào kết quả giảm từ trên 30% hộ nghèo năm 2014 còn 11,3% như hiện nay. Với những thành tích đạt được trong những năm qua, Hội LHPN xã Nam Hòa vinh dự nhận được Bằng khen của Trung ương Hội LHPN 2 năm liên tiếp (2017 và 2018) vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua và nhiệm vụ công tác Hội.