Quan tâm tu bổ, tôn tạo chùa Bảo Nang

Cập nhật: Thứ năm 12/12/2019 - 09:17
 Phần mái hiên của ngôi chùa bị gãy sập nên Ban Quản lý chùa phải sửa tạm, thay thế bằng mái tôn sắt.
Phần mái hiên của ngôi chùa bị gãy sập nên Ban Quản lý chùa phải sửa tạm, thay thế bằng mái tôn sắt.

Đình Bảo Nang nằm trong quần thể di tích đình - chùa Bảo Nang thuộc xóm Bảo Nang, xã Tân Lợi (Đồng Hỷ) thờ vị Anh hùng dân tộc Dương Tự minh. Đình được xây dựng khoảng cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn (cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX), theo thời gian, đến nay nhiều hạng mục đã xuống cấp...

Theo những tài liệu ghi chép lại, sau khi Dương Tự Minh qua đời, nhân dân xóm Bảo Nang cũng như nhân dân khắp các vùng Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng… lập đền, đình, miếu thờ để ghi nhớ công lao của ông trong sự nghiệp bảo vệ đất nước đồng thời coi ông là thành hoàng. Đình Bảo Nang ngoài việc thờ thành hoàng còn là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử: Năm 1917, thái thủ nghĩa quân khởi nghĩa binh lính Thái Nguyên đã đem 300 nghĩa sĩ về đóng ở đình; đình là nơi làm việc của Xưởng Công Binh chế tạo bộc phá, bộc lôi. Đây cũng là nơi đón Thượng tướng Chu Văn Tấn về giác ngộ cách mạng cho nhân dân năm 1941... Năm 2007, đình chùa Bảo Nang được UBND tỉnh công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. 

Ngôi chùa có diện tích 30m2, tháng 6-2012, chùa được UBND tỉnh đầu tư tu sửa, tôn tạo với tổng kinh phí 308 triệu đồng. Tuy nhiên, theo thời gian, các thanh kèo, dui, mè trong chùa hay ở phần mái hiên đã bị mối mọt. Phần mái hiên trước bị ngấm nước khiến một số đòn tay bị hư hỏng, gãy mục, ngói xệ và rơi rụng... Được sự cho phép của chính quyền các cấp, từ nguồn kinh phí xã hội hóa, Ban Quản lý đình chùa đã cho tạm thời tu sửa phần mái hiên, thay thế lợp bằng mái tôn để đảm bảo an toàn cho người dân đến dâng hương và các cụ trông coi, hương khói cho chùa. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp trước mắt.

Ông Trần Quang Khải, Trưởng xóm Bảo Nang, Phó Ban Quản lý đình chùa Bảo Nang cho biết: Theo kiến trúc đình - chùa, việc sửa chữa, thay thế bằng mái tôn là không đúng. Tuy nhiên, nếu không thay lợp lại mái hiên thì khi mưa, nước sẽ hắt vào làm hỏng gạch lát và ngấm vào phần mái của ngôi chùa khiến nhanh bị mục. Về việc này, chúng tôi đã báo với chính quyền địa phương để có ý kiến với huyện, tỉnh nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Bà con cũng mong muốn các ngành chức năng của tỉnh sớm quan tâm để tu bổ, tôn tạo lại ngôi chùa. 

Về vấn đề này, bà Trần Thị Phương Thảo, Phó Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đồng Hỷ cho biết: Trước ý kiến của người dân, chúng tôi đã tham mưu UBND huyện có văn bản gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để quan tâm tu sửa. Sở đã cử cán bộ chuyên môn về khảo sát thực tế và kế hoạch là sẽ sửa chữa vào năm 2020. Tuy nhiên, theo quy định của tỉnh, cơ chế hỗ trợ để tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử thì Nhà nước chỉ được 70%, còn lại là người dân phải huy động các nguồn để đối ứng. Qua khái toán, số tiền sửa chữa khoảng 1,5 tỷ đồng, tức là nhân dân phải đối ứng 500 triệu đồng. Đến thời điểm này, Ban Quản lý di tích chưa huy động được nguồn để đối ứng nên sẽ khó có thể xếp vào danh mục được đầu tư tu sửa trong năm 2020. Chúng tôi đang vận động Ban Quản lý sử dụng nguồn kinh phí xã hội hóa để sửa chữa tạm, đồng thời, tiếp tục phối hợp với địa phương để kêu gọi các cá nhân, tổ chức, đơn vị ủng hộ để sửa chữa, tu bổ đình... 

Chung An
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: