Tai nạn lao động vì ý thức kém

Cập nhật: Thứ ba 12/07/2022 - 06:25
 Công nhân Chi nhánh Công ty CP Giấy Trường Xuân (TP. Phổ Yên) thiếu bảo hộ lao động khi làm việc.
Công nhân Chi nhánh Công ty CP Giấy Trường Xuân (TP. Phổ Yên) thiếu bảo hộ lao động khi làm việc.

Trượt đà giáo; bị vật liệu xây dựng đổ đè lên người; gầu máy xúc đập vào đầu hoặc hẫng chân rơi từ trên cao xuống… phần lớn do người sử dụng lao động và người lao động thiếu ý thức, chưa thật sự quan tâm, thậm chí coi thường công tác an toàn vệ sinh lao động (ATLĐ).

Theo số liệu tổng hợp của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (TB&XH): Năm 2021, trên toàn tỉnh xảy ra 102 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), làm 16 người chết, 23 người bị thương nặng; tổng thiệt hại cho doanh nghiệp gần 3 tỷ đồng. Trong đó, chi phí về y tế gần 119 triệu đồng, trả lương cho người lao động trong thời gian điều trị hơn 354 triệu đồng; bồi thường trợ cấp cho nạn nhân hơn 2 tỷ đồng, thiệt hại về tài sản gần 503 triệu đồng, chưa kể đến hơn 2.000 ngày công lao động phải nghỉ do liên quan đến mất ATLĐ

Nguyên nhân chính dẫn đến chết người tại các vụ TNLĐ trong những năm gần đây, các nhà chức trách sau khi khám nghiệm hiện trường đều đi đến kết luận, hầu hết do người lao động chủ quan, doanh nghiệp thiếu trách nhiệm. Nạn nhân vi phạm về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy phạm an toàn, không tuân thủ quy trình, chưa có biện pháp làm việc an toàn. Nạn nhân không sử dụng đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động, không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân khi làm việc.

Rất nhiều nguyên nhân được “buộc vào" người đã chết. Anh Triệu Sinh Hiếu, thôn Khe Nước, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn (Yên Bái), là một trường hợp như vậy. 19 tuổi, anh vào làm việc tại Công ty TNHH Jeil Engineering (Khu công nghiệp Sông Công). Khi đang lợp mái nhà xưởng, anh bị trượt chân rơi xuống nền bê tông từ độ cao gần 9m, chết tại chỗ. Đây là một công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ, nhưng anh Hiếu chưa được đào tạo, huấn luyện ATLĐ. Cả khi chết rồi anh vẫn chịu tiếng không tuân thủ các biện pháp ATLĐ. 

Người thợ phó mặc sự an nguy của mình vào một sợi dây thừng.

Chung số phận hẩm hiu như anh Hiếu, anh Mai Văn Đảnh, xã Đông Sơn, TP. Tam Điệp (Ninh Bình), làm công nhân tại Chi nhánh Công ty CP Khai khoáng Miền Núi - Mỏ đá Núi Chuông. Trong lúc làm việc, anh bị trượt chân ngã từ trên tầng khai thác xuống chân tuyến ở độ cao 25m, hưởng dương 26 tuổi. Dù chưa được huấn luyện về ATLĐ, nhưng lãnh đạo Công ty vẫn giao cho anh làm việc ở vị trí cực kỳ nguy hiểm.

Hôm chúng tôi đến xóm An Bình, xã An Khánh (Đại Từ), chia sẻ mất mát với gia đình bà Đặng Thị Lợi. Bà Lợi giàn dụa nước mắt: Con tôi là Lê Minh Hiếu, Cháu đi làm cho Công ty TNHH Lê Việt Linh được 6 ngày thì bị chết do TNLĐ. Lúc đó cháu mới 16 tuổi. Cháu chưa biết thế nào là an toàn VSLĐ. Thấy “người ta” giao việc thì làm, cốt có đồng tiền công giúp đỡ bố mẹ.

Người mẹ trẻ ấy đã chết ngất khi thấy "người ta” mang xác con về giao lại cho gia đình. Hiếu tử nạn trong lúc đang khiêng, vác kính để phục vụ việc lắp đặt lan can tay vịn cho Dự án nhà ở xã hội TNG, tổ 20, phường Phan Đình Phùng (TP. Thái Nguyên)…

Chỉ khi sự việc đau lòng xảy ra, những người trong cuộc mới hối hận. Người lao động bị tai nạn không chết cũng phải mang thương tật suốt đời, trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Người sử dụng lao động cũng phải trả giá đắt. Họ phải mất rất nhiều thời gian, tiền của để giải quyết ổn thoả các vụ việc; theo đó là sản xuất đình trệ, mất uy tín doanh nghiệp.

Phạm Ngọc Chuẩn
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: