Tân sinh viên chật vật tìm phòng trọ
Bố con ông Nguyễn Văn Sơn chật vật hơn một buổi sáng mới tìm được phòng trọ để ở tạm thời. |
Thời điểm này, các trường thuộc Đại học Thái Nguyên đang tổ chức nhập học cho sinh viên năm thứ nhất. Thêm nữa, trải qua thời gian học online do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đến nay, một số lượng lớn sinh viên đang đổ dồn về lại Thái Nguyên. Nhu cầu thuê phòng trọ lớn khiến không ít sinh viên gặp khó khăn trong việc tìm chỗ ở phù hợp.
Năm nay, chị Nguyễn Lan Anh, phường Phan Đình Phùng (TP. Thái Nguyên) được em gái ở quê - huyện Đoan Hùng (tỉnh Phú Thọ) nhờ tìm phòng trọ cho 2 cháu theo học Trường Ngoại ngữ (Đại học Thái Nguyên). Tuy nhiên, sau 2 ngày chạy đôn, chạy đáo tìm kiếm ở khắp các nhà trọ trong bán kính cách trường 2km nhưng chị Lan Anh vẫn không tìm được.
Chị Lan Anh cho hay: Những năm trước, tôi cũng được người quen ở quê nhờ tìm phòng trọ, việc tìm kiếm và ký hợp đồng thuê luôn rấ dễ dàng. Nhưng năm nay, tôi hỏi tới 20 chỗ mà nhà nào cũng gần như kín hết phòng.
Cũng như chị Lan Anh, ngày 25-9 vừa qua, hai bố con ông Nguyễn Văn Sơn, xã Hòa Sơn, huyện Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang) chở nhau lên TP. Thái Nguyên từ 7 giờ sáng để nhập học và tìm phòng trọ. Sau khi nhập học xong, bố con ông Sơn phải đi đến nhà thứ 8 mới tìm được một phòng ở tạm trên tầng 3, nhà riêng của bác chủ nhà trọ.
Còn chị Phạm Thị Mai, nhà ở xã Trung Hòa, huyện Ngân Sơn (tỉnh Bắc Kạn), đưa con xuống nhập học chia sẻ: Tôi có dự định cho con ở trong ký túc xá của Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên. Nhưng khi đến nơi, thấy ký túc xá xuống cấp, ẩm mốc, sợ ảnh hưởng đến sinh hoạt của cháu nên tôi lại ra ngoài tìm phòng trọ. Tuy nhiên, dù đã đi nhiều nhà trọ nhưng 2 mẹ con vẫn chưa tìm được phòng ưng ý. Chỗ thì phòng cũ, ẩm thấp, không đảm bảo sinh hoạt, nơi tốt hơn thì đã có người thuê hoặc đặt chỗ.
Mặc dù cuối tháng 9 các trường mới tổ chức nhập học cho sinh viên nhưng cách đó 1 tuần, 150 phòng trọ của gia đình bà Lê Thị Nguyên, Tổ trưởng tổ dân phố (TDP) số 4 - hộ có nhiều phòng trọ nhất trên địa bàn phường phường Tân Thịnh, đã có người thuê kín.
Lý giải về sự khan hiếm phòng trọ trong năm nay, bà Nguyên cho biết: TDP hiện có gần 300 hộ với gần 1.000 nhân khẩu. Do gần các trường đại học nên cách đây hơn 10 năm, trên địa bàn có gần 100 hộ có phòng trọ cho thuê, với khoảng trên 500 phòng. Nhưng dần dần, lượng sinh viên ít đi, không còn ai thuê, nhiều nhà đã chuyển đổi mục đích sử dụng. Hiện nay, cả TDP chỉ còn lại 60 hộ kinh doanh phong trọ, nhà ít thì 10 phòng còn nhiều như nhà tôi thì 150 phòng.
Một nguyên nhân nữa là lượng sinh viên năm nay tăng đột biến, do trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều em ở nhà học trực tuyến. Năm học này, dịch cơ bản được kiểm soát, nên các em đồng loạt quay lại trường. Mặt khác, nhiều sinh viên có nhu cầu không ở ghép để tiện trong sinh hoạt... nên xảy ra tình trạng khan hiếm phòng trọ.
Mặc dù tình trạng thiếu phòng trọ sau nhiều năm ế ẩm, nhưng các chủ nhà trọ gần như vẫn giữ nguyên giá như những năm trước. Những phòng trọ có diện tích từ 12-15m2, xây khép kín có giá từ 500-800 nghìn đồng/tháng; phòng trọ có diện tích từ 13-20m2 khép kín, được trang bị điều hòa, nóng lạnh, tủ quần áo... có giá thuê từ 1,2-2 triệu đồng/tháng.
Anh Nguyễn Minh Thắng, xóm Nước 2 , xã Quyết Thắng (TP. Thái Nguyên), nói: Năm 2009, tôi đầu tư xây 6 phòng trọ khép kín cho sinh viên thuê. Nhưng cũng chỉ được 6 năm, còn những năm sau đành để đấy do không có người thuê. Năm nay, sau khi có phụ huynh đến đặt cọc và thuê hết, tôi đã sửa chữa, dọn lại sạch sẽ và cho thuê với giá 500.000 đồng/phòng/tháng. Mong rằng việc tìm được phòng trọ ưng ý sẽ giúp các tân sinh viên đã sẵn sàng hành trang bước vào cánh cửa đại học và vững tinh thần để chuẩn bị cho một cuộc sống xa nhà, tự lập.