Tăng cường giải quyết việc làm cho người lao động
Thành đoàn Sông Công phối hợp với các doanh nghiệp uy tín trên địa bàn tổ chức chương trình tư vấn, giới việc làm, thu hút cho đoàn viên, thanh niên. |
Xác định giải quyết việc làm sẽ góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững, TP. Sông Công đã chú trọng triển khai nhiều giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm thực hiện tốt công tác này.
Theo thống kê, TP. Sông Công hiện có trên 136.000 người trong độ tuổi lao động (chiếm 66% dân số). Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó phòng Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố, thông tin: Hằng năm, Sông Công có khoảng 10ha đất nông nghiệp bị thu hồi để thực hiện các dự án phát triển công nghiệp, đô thị. Ngoài ra, ảnh hưởng của dịch COVID-19 thời gian qua đã khiến nhiều lao động mất việc làm, nghỉ việc không lương. Do đó, nhu cầu tìm kiếm việc làm của lao động trên địa bàn ngày càng tăng cao.
Để tạo thêm nhiều việc làm mới cho lao động, thành phố đã quan tâm tạo điều kiện về thủ tục hành chính, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật giúp doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, từ đó, tăng nhu cầu tuyển dụng lao động. UBND TP. Sông Công cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai các chương trình giải quyết việc làm cho người lao động (NLĐ). Đồng thời xây dựng kế hoạch mở các lớp dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn; tổ chức hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm, giúp NLĐ kết nối làm việc tại các công ty, doanh nghiệp…
Trong 3 năm gần đây (2019-2022), TP. Sông Công đã phối hợp đào tạo nghề cho khoảng 4.000 lao động nông thôn với các nghề: Cơ khí, điện tử; kỹ thuật sơ chế và bảo quản sản phẩm cây công nghiệp; chế biến chè xanh; kỹ thuật may công nghiệp… Thông qua đó, NLĐ trên địa bàn được tiếp cận với chính sách đào tạo nghề, có điều kiện chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp, tăng cơ hội có việc làm với thu nhập ổn định, góp phần cải thiện đời sống nhân dân, đặc biệt là khu vực nông thôn.
Hằng năm, TP. Sông Công giải quyết việc làm cho hơn 1.300 lao động, chủ yếu làm việc tại các công ty, doanh nghiệp. Trong ảnh: Sản xuất vỏ hộp điện thoại tại Công ty TNHH Doosun Việt Nam.
Anh Nguyễn Trọng Dũng, ở phường Thắng Lợi, chia sẻ: Sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo nghề sửa chữa, bảo dưỡng cơ khí động cơ tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên TP. Sông Công, tôi đã tự mở cửa hàng sửa chữa ô tô, xe máy tại nhà. Những kiến thức được trang bị trong quá trình học nghề đã giúp tôi có được công việc phù hợp, nâng cao thu nhập.
Với lợi thế có các khu, cụm công nghiệp (Khu công nghiệp Sông Công I, Khu công nghiệp Sông Công II, Cụm công nghiêp Nguyên Gon… ) đứng chân trên địa bàn, hằng năm, TP. Sông Công phối hợp tổ chức có hiệu quả 3-5 buổi tư vấn, giới thiệu việc làm cho NLĐ. Qua đó, nhiều lao động đã tìm được việc làm phù hợp, mức thu nhập bình quân đạt 5-8 triệu đồng/người/tháng. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay, toàn thành phố có trên 500 lao động được giới thiệu vào làm việc tại các công ty, nhà máy, xí nghiệp.
Nhằm tạo việc làm tại chỗ cho NLĐ, Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố cũng triển khai cho vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm để người dân phát triển sản xuất. Tính đến hết tháng 6-2022, tổng dự nợ cho vay từ Quỹ đạt trên 80 tỷ đồng, giúp hơn 3.600 lao động sử dụng nguồn vốn phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo tại địa phương.
Cùng với tăng cường giải quyết việc làm, TP. Sông Công đã triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ theo quy định để NLĐ yên tâm làm việc, ổn định cuộc sống. Từ đầu năm 2022 đến nay, thành phố đã hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho trên 32.000 người với số tiền 4,6 tỷ đồng; hỗ trợ 128 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương với kinh phí 400 triệu đồng; hỗ trợ tiền thuê nhà cho hơn 1.000 lao động đang làm việc tại 6 doanh nghiệp trên địa bàn với số tiền 1,6 tỷ đồng…
Từ những giải pháp thiết thực, công tác giải quyết việc làm trên địa bàn TP. Sông Công đã đạt được những kết quả tích cực. Hằng năm, hơn 1.300 lao động được giải quyết việc làm; tổng số lao động tham gia vào các ngành kinh tế là trên 83.700 người, trong đó tỷ lệ lao động phi nông nghiệp chiếm 85%…